(QNO) - Hôm nay 3.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch năm 2017 và vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã đề xuất nhiều vấn đề quan trọng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt nhưng cấp dưới chưa quyết liệt, chưa đồng hành cùng Chính phủ; nguồn vốn đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn, cần tăng cường năng lực quản trị dự án đầu tư, chống thất thoát, tiêu cực, nâng cao hiệu quả đầu tư; bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nền công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn nhiều hạn chế…
![]() |
Đồng chí Phan Việt Cường phát biểu tại diễn đàn ngày 3.11. |
Đại biểu Phan Việt Cường bày tỏ sự nhất trí với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình trước Quốc hội về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; báo cáo tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Đại biểu cho rằng, các báo cáo của Thủ tướng Chính phủ nêu đầy đủ các mặt, các lĩnh vực. Có thể nói trong một thời gian ngắn, trong điều kiện nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, điều hành nền kinh tế vượt lên và đạt 11/13 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Điều đó thể hiện nổ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đặc biệt là sự nỗ lực rất cao của Chính phủ, trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì sự phát triển, được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Đại biểu Phan Việt Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cũng như sự cầu thị của Chính phủ khi thẳng thắn chỉ ra 8 vấn đề hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, theo đại biểu, Chính phủ cần quan tâm phân tích, làm rõ một số vấn đề sau:
Một là, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ rất quyết liệt nhưng chuyển động của cấp dưới chưa quyết liệt, chưa đồng hành cùng Chính phủ cho nên chưa tạo được động lực cho phát triển, làm cho các chỉ tiêu phấn đấu năm 2016 đạt chưa cao.
Hai là, cả nước nói chung, các tỉnh, thành nói riêng đang rất khó khăn huy động nguồn vốn đầu tư phát triển để thu hút đầu tư các dự án trong và ngoài nước nhằm phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, việc đầu tư theo kiểu phong trào, như: các dự án nhà máy đường; sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol chưa hình thành đã chết yểu. Do đánh giá tác động chưa toàn diện, nên để lại nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội không phải một năm mà nhiều năm, làm ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng GDP. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường năng lực quản trị dự án đầu tư, chống thất thoát, tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ba là, tại nhiều kỳ họp của Quốc hội chúng ta đã đề cập đến cải cách hành chính nhưng chuyển biến chưa rõ nét. Theo đòng chí Phan Việt Cường, bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh, đội ngũ CBCC đông nhưng chưa mạnh, nền công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn nhiều hạn chế. Thủ tục hành chính quá rườm rà nhưng bảo thủ không chịu cắt giảm. Thêm vào đó, một bộ phận CBCC nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn. Có những việc có thể giải quyết trong một ngày nhưng để kéo dài một tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng, thiếu cơ chế kiểm soát. Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước lo ngại. Đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét mô hình cải cách hành chính tổng thể ở Quảng Ninh để nhân rộng ra cả nước.
Bốn là, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, báo cáo của Thủ tướng nêu ra 6 cân đối lớn và 12 nhóm vấn đề khá cụ thể. Theo đại biểu, ngoài 6 cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu thêm cân đối lớn phát triển kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Theo đó, Nhà nước ta cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung phát triển du lịch trở thành mũi nhọn. Đất nước – con người Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới nhưng ngành du lịch chúng ta chưa mạnh. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư du lịch một cách bài bản, có thể chọn một số địa phương có lợi thế về du lịch để đầu tư, từ đó nhân rộng mô hình cho cả nước, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút, giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Mặt khác, trong phát triển, công nghiệp có vai trò rất quan trọng, hiện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi liên kết giá trị nhưng thực tế doanh nghiệp nước ta gia nhập chuỗi liên kết này rất ít. Nhà nước cần tư vấn, hỗ trợ tích cực, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào các ngành cung cấp phụ kiện, linh kiện: điện - điện tử, ô tô, xe máy… Chính phủ cần phải ưu tiên tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp lớn (như các nước phát triển) để họ đủ khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn.
Năm là. Chính phủ cần tập trung giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, như: Vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 01/5/2012 và được sửa đổi ở Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đại biểu, mỗi năm bình quân mỗi hộ nhận được vài chục ngàn đồng, không đủ chi phí đi lại để nhận tiền. Tuy nhiên, theo báo cáo từ ngành nông nghiệp, năm 2015 và 2016, Nhà nước đã chi 3.400 tỷ đồng. Năm 2017, dự kiến chi 8.000 tỷ đồng, như vậy tính cả 3 năm Nhà nước chi thực hiện chính sách này là 11.400 tỷ đồng. Đây là khoản tiền lớn, nhưng do phân tán nên không phát huy hiệu quả, cần tập trung nguồn lực này để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nên đầu tư trực tiếp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoặc dùng nguồn vốn này tái cơ cấu nông nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay cả nước còn 279.000 nhà, tương ứng với số tiền khoảng 7.300 tỷ đồng. Số tiền này Chính phủ đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nên giải quyết dứt điểm vấn đề này trong năm 2017-2018, Chính phủ cần tập trung nguồn vốn giải quyết một phần, phần còn lại các địa phương ứng trước, cộng với các hộ gia đình tự vay mượn để làm mới và sửa chữa nhà ở, sau đó Nhà nước hỗ trợ hoàn trả cho địa phương và gia đình, có như vậy chúng ta mới giải quyết khó nhăn về nhà ở cho các hộ gia đình có công cách mạng, giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc này hiện nay trong trong xã hội.
VĂN PHƯỚC