Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc: Lắng nghe từ cơ sở

HÀN GIANG 24/10/2018 02:31

Để có cơ sở thẩm tra dự thảo đề án chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng, người hoạt động không chuyên trách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc giai đoạn 2019 - 2021,dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh sắp tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đang tiến hành các hội nghị lấy ý kiến góp ý, phản biện từ cơ sở, nhất là những người chịu sự tác động trực tiếp của chính sách sau khi ban hành.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo đề án dự kiến trình Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh (cụm Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My). Ảnh: N.Đ
Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo đề án dự kiến trình Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh (cụm Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My). Ảnh: N.Đ

Ngày 22.10, tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My), Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo và ngành liên quan các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước về dự thảo chính sách hỗ trợ cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc giai đoạn 2019 - 2021. Đây cũng là dịp để đại biểu HĐND tỉnh lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm với những cán bộ đang công tác, cống hiến tại cơ sở, cũng là người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi chính sách được HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

Tâm tư người trong cuộc

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Huyền Trâm cho biết, bà tham gia hoạt động không chuyên trách cấp xã đã 14 năm, đảm nhiệm công việc văn phòng Đảng ủy xã Trà Đông (Bắc Trà My). Dù hiện nay tại địa phương chưa có chủ trương gì về việc sẽ sắp xếp lại đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhưng bản thân bà rất băn khoăn, không biết khi nào mình sẽ nghỉ thôi việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở cơ sở. Cũng vì băn khoăn như vậy, nên bà Trâm quyết định dừng học đại học tại chức, vì nếu phải nghỉ thôi việc, với mức hỗ trợ được nhận theo quy định của dự thảo đề án chỉ đủ trả nợ tiền vay mượn để đi học. “Tôi cũng như nhiều trường hợp khác hoạt động kiêm nhiệm 2 chức danh đã hơn 10 năm, nhưng nếu chỉ tính cơ chế hỗ trợ cho một chức danh như dự thảo đề án, không tính hỗ trợ cho chức danh kiêm nhiệm thì có bị thiệt thòi hay không? Các khó khăn trong quá trình công tác ở cơ sở những người hoạt động không chuyên trách đã trải qua, phấn đấu cống hiến nhưng nay không đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm theo quy định, nhưng dù quy định có điều chỉnh thì cơ hội cũng đã qua. Rất thiệt thòi. Theo tôi, làm sao để lựa chọn cho được những người cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc mà cơ sở đang yêu cầu là điều mà cơ chế hỗ trợ cần tính đến” - bà Trâm bày tỏ.

Bà Mai Thị Hoa - cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo xã Trà Giang (Bắc Trà My) nói, dự thảo đề án quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi nghỉ thôi việc được hỗ trợ 3 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là chưa thỏa đáng. Bà Hoa dẫn chứng, bản thân bà công tác đã 13 năm nhưng mới chỉ đóng bảo hiểm được 8 năm. Như vậy, số thời gian công tác 5 năm trước khi được đóng bảo hiểm sẽ không tính mức hỗ trợ. Bà Hoa còn chia sẻ băn khoăn về việc bà đảm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 (xã Trà Giang) tính tổng thời gian đã hơn 12 năm, nhưng khi nghỉ thôi việc do sắp xếp lại thôn/khối phố sẽ không được hưởng hỗ trợ. Bởi dự thảo quy định, thời gian công tác ở thôn, tổ dân phố ước tính tối đa là 10 năm, nhưng nếu có gián đoạn trên 12 tháng thì thời gian công tác trước đó không được tính hỗ trợ thôi việc. Theo phân tích của bà Hoa, thực tế có nhiều đồng chí làm bí thư chi bộ, thôn trưởng vài nhiệm kỳ rồi nghỉ, hết nhiệm kỳ kế tiếp mới công tác trở lại. Nếu thời gian công tác trở lại này ít hơn so với trước đây thì mức hỗ trợ sẽ không tương xứng. Vì vậy, cơ chế cần có sự quan tâm hơn đối với các trường hợp này.

Theo hướng  có lợi nhất

Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo lần này đã thể hiện đầy đủ hơn về mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, khẳng định tính ưu việt hơn so với nội dung dự thảo trước đây trình tại Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh. Đồng thời đề nghị, các chính sách của đề án cần được áp dụng đối với trường hợp lao động ngoài biên chế bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1.1.2019. Một số ý kiến khác cho rằng dự thảo đề án cần tính toán chế độ hỗ trợ thỏa đáng đối với các trường hợp cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn đã học xong đại học tại chức nhưng vì chủ trương chung mà nhiều người sẽ phải nghỉ thôi việc...

Chia sẻ với tâm tư của cán bộ cơ sở, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nói, đối với việc sẽ giảm bao nhiêu người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là do yêu cầu công việc của từng địa phương. Dựa trên các tiêu chí đánh giá về năng lực, trình độ, đạo đức, sức khỏe, uy tín của mỗi cán bộ để xem xét thực hiện, chứ dứt khoát không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến phong trào cơ sở. “Việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý từ cơ sở là rất cần thiết, phải làm thật kỹ lưỡng để nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc giai đoạn 2019 - 2021 mà HĐND tỉnh ban hành đảm bảo yêu cầu tạo động lực cho việc thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của người cán bộ, công chức, người lao động, hoạt động không chuyên trách, cũng như đảm bảo nguồn lực hỗ trợ, không để xảy ra độ vênh lớn giữa các trường hợp thụ hưởng” - ông Hồng nhấn mạnh.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh - Đặng Thị Minh Nguyệt cho hay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp thu tất cả ý kiến phát biểu, góp ý từ cơ sở để có báo cáo trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới xem xét, quyết định theo hướng có lợi nhất cho người thụ hưởng chính sách. “HĐND tỉnh ban hành nghị quyết này với mong muốn mỗi cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn tự rà soát lại các quy định, nếu như thấy có nguyện vọng muốn nghỉ thì xin nghỉ để được hưởng cơ chế hỗ trợ, chứ không phải để buộc cán bộ, những người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ...” - bà Nguyệt nói.

Cần sự đóng góp ý kiến rộng rãi

Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), đến nay đã có nhiều đề án tổ chức sắp xếp, thí điểm việc sáp nhập, hợp nhất, kiêm nhiệm chức danh giữa khối Đảng và chính quyền được xây dựng và triển khai. Trong đó, việc tổ chức, sắp xếp lại thôn/khối phố đang được tích cực thực hiện với mục tiêu giảm từ 1.719 thôn còn 1.241 thôn (giảm 478 thôn).

Để thực hiện các chủ trương này, động viên khuyến khích các đối tượng bằng việc ban hành chính sách hỗ trợ của tỉnh là cần thiết. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Thị Minh Nguyệt phân tích và đặt vấn đề: Hiện nay chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng (theo Nghị định 68 và theo quy định Chính phủ) được quy định cụ thể tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định 108 của Chính phủ và để hưởng chính sách phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra như: Thực tế việc thực hiện thế nào, vướng mắc ở khâu nào? Quy trình thủ tục hay chế độ hỗ trợ còn thấp? Có nên ban hành chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh ngoài chế độ, chính sách quy định của Nghị định 108 cho nhóm đối tượng này? Hay nên ban hành chính sách cho nhóm đối tượng có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc nhưng không đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 108? Theo các quy định pháp luật hiện hành chưa có chính sách hỗ trợ nào cho nhóm đối tượng này khi nghỉ thôi việc hoặc dôi dư do sắp xếp tổ chức lại. Trong khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm định mức người hoạt động không chuyên trách xã, sắp xếp thôn/khối phố dự kiến số người hoạt động không chuyên xã và thôn/khối phố sẽ dôi dư khá nhiều, việc ban hành chính sách hỗ trợ của tỉnh trong thời điểm này có phù hợp và cần lưu ý những vấn đề gì?

Cũng theo bà Đặng Thị Minh Nguyệt, thực hiện phương án sắp xếp thôn/khối phố, toàn tỉnh sẽ giảm 478 thôn/khối phố, nếu quy định mỗi thôn/khối phố chỉ còn 3 người hoạt động không chuyên trách, số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp thôn dôi dư lên đến 13.467 người. Vậy nên quy định chính sách hỗ trợ cho tất cả chức danh ở thôn nghỉ việc hay chỉ hỗ trợ đối với 5 chức danh (bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên)?

Bà Nguyệt nói, các nội dung nêu trên rất cần nhận được sự đóng góp ý kiến rộng rãi tại cơ sở để Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cơ sở thẩm tra, góp ý xây dựng hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc: Lắng nghe từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO