Xây dựng chính sách mới đối với trường chuyên

XUÂN PHÚ 01/07/2020 06:06

Chính sách đối với Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông đang được thực hiện theo Nghị quyết 31 (8.12.2016) HĐND tỉnh về quy định một số chính sách đối với học sinh (HS) và giáo viên (GV) các trường THPT chuyên. Theo các trường, cần có sự điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả chính sách.

Cần chính sách mới cho học sinh trường THPT chuyên để các em nỗ lực hơn trong học tập. Ảnh: X.P
Cần chính sách mới cho học sinh trường THPT chuyên để các em nỗ lực hơn trong học tập. Ảnh: X.P

“Cú hích”

Nghị quyết 31 bắt đầu được triển khai từ học kỳ II năm học 2016 - 2017 dành cho cả 2 trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh. Nhận xét sau hơn 3 năm thực hiện, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - thầy Phan Văn Chương cho rằng, nghị quyết đã tạo nên “cú hích” mạnh mẽ đối với phong trào thi đua dạy tốt và học tốt của nhà trường. Kết quả được thể hiện rõ nét qua con số 98 giải HS giỏi quốc gia, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước đó, trong đó có 4 em được chọn vào vòng 2 đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Chất lượng tuyển sinh vào các trường đại học cũng được nâng lên đáng kể, nhiều HS đỗ thủ khoa các trường đại học quốc gia. Đáng chú ý, số lượng HS trúng tuyển du học nước ngoài tại những trường đại học danh tiếng ở Anh, Pháp, Mỹ, Úc, nhất là Nga tăng lên.

Thời hiệu của Nghị quyết 31 sẽ hết hạn trong năm học 2020 - 2021. Vì vậy, tại buổi làm việc mới đây với Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Sở GD-ĐT nên tính toán sớm để đưa vào kế hoạch xin chủ trương UBND tỉnh và HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết trong năm 2021 để tiếp tục triển khai chính sách mới đối với các trường THPT chuyên trong giai đoạn tiếp theo từ năm học 2021 - 2022.

Theo thống kê, kể từ năm học 2016 - 2017 đến nay, trường có 56 HS trúng tuyển du học Nga, chưa kể 23 em vừa trúng tuyển trong năm học 2019 - 2020 trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Đối với Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, tuy thành lập đến nay chưa đầy 10 năm song bắt đầu có những bước đi khá vững chắc. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhà trường đã khẳng định thương hiệu của mình tại sân chơi HS giỏi quốc gia (năm học 2019 - 2020 đoạt 15 giải), cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, tuyển sinh đại học.

Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 31 so với chính sách trước đây là xóa được việc cào bằng, thay vào đó em nào đạt kết quả học tập tốt hơn sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao hơn. Chính điều này tạo động lực và động viên kịp thời đối với những HS không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện. Một con số thống kê rất đáng chú ý khác, đó là tỷ lệ HS con em nông dân, khu vực nông thôn vào học trường THPT chuyên khá lớn. Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong 4 năm gần đây, con em của cán bộ, công chức, có nghề nghiệp ổn định vào học hơn 38% trong khi con em của nông dân, khu vực nông thôn chiếm hơn 61%.

“Chính sách hỗ trợ của tỉnh có tác động trực tiếp đến các em HS con gia đình nghèo, khu vực nông thôn chăm ngoan, học giỏi, tạo nên sự lan tỏa trong phụ huynh, HS và cộng đồng, phát huy truyền thống của đất học Quảng Nam” - thầy Chương chia sẻ.

Những bất cập

Nhìn nhận tác động rất tích cực, song các trường THPT chuyên cũng cho rằng Nghị quyết 31 vẫn còn nhiều điểm bất cập và vướng mắc. Đó là, chính sách hỗ trợ dành cho HS vẫn còn tương đương nhau, nhất là những em trong và ngoài đội tuyển HS giỏi. Từ đó, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm kiến nghị bên cạnh tiếp tục duy trì hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên, chính sách học bổng khuyến khích cần được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Cụ thể, trước đây chỉ có 2 mức học bổng thì nay mở rộng thành 5 mức. Trong đó, mức cao nhất là học bổng bằng 10 lần mức thu học phí (trước đây 5 lần) dành cho HS trong đội tuyển HS giỏi quốc gia của tỉnh.

Trong khi đó, theo Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, mức hỗ trợ chi phí học tập và học bổng còn thấp nên chưa có sức hút mạnh mẽ, nhất là HS nghèo học giỏi ở các vùng nông thôn. Những em đạt giải HS giỏi quốc gia, được Bộ GD-ĐT chọn vào vòng 2 dự thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế cũng cần có chính sách về khen thưởng, hỗ trợ.

Liên quan đến chính sách đối với GV, trước đây, GV dạy môn chuyên được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 30% mức lương cơ sở/tiết dạy. Tuy nhiên, các trường đề nghị thay đổi, chuyển gói ưu đãi này sang hỗ trợ dạy bồi dưỡng HS giỏi. Theo lý giải, điều này sẽ tạo công bằng trong công tác bồi dưỡng HS giỏi, tạo động lực để GV nỗ lực và có trách nhiệm hơn. Cạnh đó, các trường còn đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ quản lý vì hiện nay những người “đứng mũi chịu sào” của 2 ngôi trường chuyên vẫn chưa được hưởng quyền lợi gì.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng chính sách mới đối với trường chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO