Xây dựng cơ chế liên tỉnh để quản lý hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN 24/02/2017 09:36

Xác định các vấn đề chung của hai địa phương nhằm xây dựng những dự án, chương trình, hành động ưu tiên giải quyết để từng bước thực hiện tốt các kế hoạch phát triển lưu vực sông và vùng bờ Vu Gia - Thu Bồn là nội dung chính trong kỳ họp lần thứ nhất Ban điều phối liên tỉnh lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng diễn ra tại TP.Đà Nẵng hôm qua 23.2.

Phối hợp đồng bộ

Từ thỏa thuận phối hợp số 01/TTPH-UBNDĐN-UBNDQN về phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp (QLTH) lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng được ký kết vào cuối năm ngoái, Ban điều phối liên tỉnh lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, có 5 lĩnh vực trọng tâm mà ban điều phối hướng  đến trong 3 năm tới gồm: thiết lập thể chế và đối thoại định kỳ liên tỉnh liên quan đến QLTH lưu vực sông và vùng bờ; đánh giá tác động và dự báo các nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị lưu vực sông và vùng bờ; tăng cường công tác phối hợp liên vùng để sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả và chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường hệ thống giám sát chất lượng môi trường và tăng cường nâng cao kiến thức, nhận thức.

Việc phối hợp quản lý đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ góp phần hạn chế những tác động phía hạ nguồn. Ảnh: V. LỘC
Việc phối hợp quản lý đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ góp phần hạn chế những tác động phía hạ nguồn. Ảnh: V. LỘC

Theo đại diện Sở Tài nguyên - môi trường TP.Đà Nẵng, thông qua sự phối hợp, hai địa phương sẽ cùng đánh giá những tác động và dự báo rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, từ đó xác định được các vấn đề trọng tâm cần giải quyết giữa hai địa phương, từng bước xây dựng và hoàn thiện bộ dữ liệu chung để phục vụ công tác quản lý đô thị, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin kịp thời chính xác, phục vụ công tác quản lý và điều hành ứng phó các sự cố trên lưu vực sông.  

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng, việc thành lập một ban điều phối liên vùng quản lý lưu vực sông là không mới, trước đây đã từng có các trường hợp của sông Hồng và sông Đồng Nai với sự tham gia của hàng chục tỉnh, thành. Tuy nhiên, do không có sự phối hợp tích cực và chiến lược hoạt động phù hợp giữa các địa phương nên dẫn đến hiệu quả không cao. Vì vậy, việc thành lập ban điều phối chung giữa 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng cần có những bước đi chắc chắn, nhất là về mặt truyền thông nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi nói: “Kế hoạch QLTH lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cần tuân thủ 3 nguyên tắc: về mặt truyền thông, điều này rất quan trọng để tạo sự chú ý của các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước, qua đó tạo nguồn lực cũng như nâng cao nhận thức của người dân. Tổ chức các chương trình nội dung phối hợp phù hợp. Cuối cùng là phân công trách nhiệm thực hiện quy chế phối hợp rõ ràng”.

Xây dựng cơ chế liên tỉnh

Thực tế, thời gian qua, cách quản lý truyền thống thiếu liên ngành, thiếu liên vùng và chưa xem xét ảnh hưởng tới vùng bờ biển đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng vào thế phát triển thiếu bền vững. Trong đó, những hoạt động phát triển kinh tế cùng cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước chưa phù hợp với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đã góp phần làm suy giảm chức năng và sự sống lưu vực, gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương. Cụ thể, sự phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành dùng nước khác như nông nghiệp, nước cho sinh hoạt, môi trường đã nảy sinh mâu thuẫn, chưa được giải quyết thỏa đáng. Thủy điện cũng làm phần lớn lượng phù sa đưa xuống hạ lưu bị thay đổi, làm mất cân bằng, gây thay đổi về cơ cấu dòng chảy tự nhiên theo chiều hướng bất lợi; tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước mùa khô dẫn đến quá trình xâm thực biển và làm tăng độ nhiễm mặn trên sông. Nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên sông cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông; lũ lụt vùng ven biển, xói lở bờ biển; hệ sinh thái rừng dừa nước, các thảm thực vật ven sông Thu Bồn, thảm cỏ biển, rạn san hô ven bờ, nguồn lợi thủy sản gần bờ… là những vấn đề đáng quan ngại do tác động từ phía thượng nguồn.

Theo ông Trần Văn Giải Phóng - phụ trách kỹ thuật Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tại Việt Nam, yếu tố liên kết vùng luôn là mấu chốt của Quảng Nam và Đà Nẵng, không chỉ về quản lý nguồn nước. Tuy nhiên, việc liên kết phải hài hòa lợi ích các bên liên quan nên cần thường xuyên chia sẻ thông tin, đối thoại mở để không xảy ra tình trạng gây tổn hại lợi ích lẫn nhau. “Phải xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao sức chống chịu các tác động, nhất là vấn đề ngập lụt trong khu vực. Trong đó, việc xây dựng một bộ công cụ hữu ích, có giá trị cho việc lập quy hoạch và hỗ trợ cơ chế đối thoại liên tỉnh cũng như phân tích các đánh đổi của từng giải pháp như cập nhật mô hình phân tích về ngập lụt liên vùng; hỗ trợ, xây dựng cơ chế đối thoại liên vùng để tìm hiểu rõ hơn hệ thống sông và rủi ro ngập lụt trong lưu vực; phân tích, đánh giá các hoạt động, các dự án đầu tư ở cấp tỉnh, thành phố cũng như các ngành đã thay đổi các hình thái, rủi ro ngập lụt như thế nào; nâng cao năng lực của cộng đồng dễ bị tổn thương để họ có thể tham gia quá trình lập kế hoạch trong lưu vực liên quan đến giảm thiểu rủi ro… ” - ông Phóng phân tích.   

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc ra đời ban điều phối rất quan trọng nhằm xâu chuỗi các ngành lại với nhau để quản lý tất cả hoạt động liên quan trên hệ thống sông và khu vực chung như nguồn nước, hệ sinh thái, tình trạng thủy điện hay những tác động phía hạ lưu và thượng nguồn, nhất là đã khắc phục được việc quản lý riêng lẻ giữa các ngành và 2 địa phương như trước đây. “Luật Tài nguyên nước ra đời cũng đã quy định thành lập ban điều phối, dự kiến sẽ có 10 ban điều phối như vậy. Trong đó, việc thành lập Ban điều phối liên tỉnh quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ là mô hình thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm cho việc triển khai thành lập các ban điều phối cho các địa phương khác. Đặc biệt, cũng cần hiểu là ban điều phối không thay thế việc quản lý của các sở, ngành, địa phương mà là kết nối để cùng giải quyết. Vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị lên các cấp lãnh đạo cao hơn. Trong cuộc họp hôm nay, ban điều phối sẽ thông qua 2 vấn đề gồm: xây dựng kế hoạch hoạt động và thông qua quy chế hoạt động cũng như kế hoạch hành động” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng cơ chế liên tỉnh để quản lý hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO