Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư

THÀNH CÔNG 04/06/2018 14:04

Quảng Nam đang bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, từng bước tiến đến xóa bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) theo kế hoạch đề ra.

Nhiều người Quảng xa quê tranh thủ dịp cận tết đến xin làm thủ tục cấp đổi CMND. Ảnh: T.C
Nhiều người Quảng xa quê tranh thủ dịp cận tết đến xin làm thủ tục cấp đổi CMND. Ảnh: T.C

Nghị quyết 112/NQ-CP (dưới đây gọi là NQ 112) được Chính phủ thông qua kể từ ngày 30.10.2017, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Theo đó, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an trong nhiều lĩnh vực được đơn giản hóa, giảm bớt phiền hà cho người dân. Đặc biệt, hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” được bãi bỏ, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Thông tin bỏ sổ hộ khẩu và CMND được khá nhiều người ủng hộ và mong đợi.  Bởi những rắc rối nảy sinh do phải “lụy” vào sổ hộ khẩu, CMND trong khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như các giao dịch hàng ngày là điều khá nhiều người gặp phải. Phải tranh thủ những ngày nghỉ tết về quê xếp hàng dài làm thủ tục cấp CMND, hoặc chạy ngược chạy xuôi vì nỗi ám ảnh “hộ khẩu”, nên thông tin bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, thay thế bằng mã số định danh cá nhân được khá nhiều người quan tâm. Đây cũng được kỳ vọng là bước đột phá về cải cách hành chính của chính phủ. Chị Hoài Văn (tạm trú phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, một lần đi công tác bị mất giấy tờ, chị đã phải rất vất vả về quê cách hơn một ngàn cây số để làm lại mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, đến lúc cần đăng ký xe máy, liên quan đến hộ khẩu và các thủ tục khác, chị không thể đăng ký tại Quảng Nam bởi theo quy định chỉ được đăng ký tại nơi đăng ký thường trú của chị ở Thanh Hóa. “Theo tôi, sổ hộ khẩu từ chỗ là một loại giấy tờ để quản lý cư trú thì ngày càng bị lạm dụng và hành chính hóa, trở thành một trong những điều kiện bắt buộc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong nhiều trường hợp, sổ hộ khẩu cũng là căn nguyên của phiền hà và tiêu cực, gây mất thời gian, tiền bạc của người dân và cả cơ quan quản lý nhà nước” - chị Văn chia sẻ.

Dù vậy, nhưng tới thời điểm hiện tại, cũng như nhiều địa phương khác, chủ trương này vẫn đang nằm trong lộ trình đến năm 2020. Nguyên do được đưa ra là cơ sở hạ tầng dữ liệu chưa được hoàn thiện, do đó sẽ triển khai đồng loạt cùng với các địa phương khác trên toàn quốc theo chủ trương của Bộ Công an vào thời điểm trên. Trao đổi với PV, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), ông Tô Dụng cho hay, Quảng Nam chưa thể triển khai vì cơ sở hạ tầng dữ liệu chưa có. “Hiện nay trên toàn quốc mới có 16 tỉnh thành triển khai căn cước công dân, còn các tỉnh thành khác trong đó có Quảng Nam cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nên cuối năm 2020 mới bắt đầu thực hiện đồng loạt. Trong thời gian đó, vẫn tiếp tục sử dụng số CMND 9 số theo quy định cũ. Hiện đơn vị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư. Khi thu thập dữ liệu dân cư xong, đủ điều kiện, có thể triển khai sớm hơn lộ trình” - ông Dụng cho biết.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO