Xây dựng Cụm Thương mại - dịch vụ Bến Dầu

CÔNG TÚ 31/07/2013 08:26

Ngày mai (1.8), Cụm Thương mại - dịch vụ (TM-DV) Bến Dầu chính thức được khởi công xây dựng tại xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc). Dự án hứa hẹn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chợ Bến Dầu đã xuống cấp, diện tích đất quá nhỏ không thể mở rộng thêm. Ảnh: C.TÚ
Chợ Bến Dầu đã xuống cấp, diện tích đất quá nhỏ không thể mở rộng thêm. Ảnh: C.TÚ

Bến Dầu xưa và nay

Thời kỳ Pháp thuộc, khi đường bộ chưa đóng vai trò huyết mạch giao thông nối liền giữa các miền ngược - xuôi thì đò giang sông nước trở thành cầu nối giữa các địa phương. Dọc triền sông Thu Bồn qua Đại Lộc hình thành nên những bến đỗ cho thương lái từ Hội An, Vĩnh Điện lên, Duy Xuyên qua, Quế Sơn, Nông Sơn xuống tập trung trao đổi hàng hóa với người dân bản địa. Một trong những bến đỗ tấp nập, sầm uất người mua kẻ bán là chợ Bến Dầu. Theo cư dân địa phương, bến chợ ngày ấy rất đông người qua lại mua bán với chè từ An Bằng gánh xuống, dầu rái được đưa từ Thọ Lâm, Hữu Niên, Tây An, Khe Tân qua. Nhiều thương lái tập trung thu mua sản phẩm dầu rái nên có lẽ địa danh Bến Dầu xuất xứ từ đó.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Bến Dầu ngày càng thịnh hơn. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Nguyễn Văn Trúc cho hay, năm 1986, ông đang giữ chức vụ Trưởng phòng Thuế, đồng thời được phân công đứng cánh tại Đại Thạnh. Lúc đó, cầu Quảng Huế bắc nhịp đôi bờ vùng B với vùng C của Đại Lộc và cầu Xuân Nam qua khu vực xã chưa hình thành, thế nên giao thông đường bộ đến địa phương miền núi này luôn cách trở. Còn theo ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, chợ Bến Dầu chủ yếu được làm lều bằng tre, nứa lá. Năm 1990, một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ xây dựng lại chợ quy mô, có nhà lồng để tiểu thương buôn bán. Về sau, các cây cầu được đầu tư xây dựng, lưu thông bằng đường bộ dễ dàng, vì vậy giao lưu buôn bán bằng đường thủy tại Bến Dầu dần ít lại, cảnh ghe thuyền tấp nập không còn như trước.    

Kỳ vọng

Cụm TM-DV Bến Dầu bao gồm các hạng mục san lấp mặt bằng, đường giao thông, mương thoát nước có diện tích đất sử dụng 60.702,2m2 với tổng mức đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng. Dự án do UBND xã Đại Thạnh làm chủ đầu tư, nguồn vốn huy động từ ngân sách xã và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo ông Nguyễn Văn Trúc, huyện rất ủng hộ kế hoạch này của địa phương. Việc hình thành cụm TM - DV sẽ đảm bảo các điều kiện sống cơ bản, từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của một bộ phận lớn nhân dân trong khu vực, góp phần tăng thu nhập. Nó còn tạo động lực kích cầu TM-DV để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Đại Thạnh là xã miền núi nằm về phía tây nam của Đại Lộc. Ông Dương Văn Sương - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, những năm qua, mặc dù địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn thách thức, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh chưa đảm bảo, nhất là chợ và trạm y tế. Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với Đại Thạnh là cần nhanh chóng di dời, tái định cư, ổn định đời sống nhân dân khu vực thường xảy ra thiên tai nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời quy hoạch bố trí sắp xếp tại các công trình phúc lợi, đảm bảo khai thác quỹ đất ở, tăng nguồn ngân sách địa phương và tránh ảnh hưởng mưa lũ cho trạm y tế, chợ, bãi đậu đỗ xe, khu vui chơi… Vì vậy, địa phương tiến hành các bước lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Cụm TM-DV Bến Dầu, được UBND huyện Đại Lộc xem xét, phê duyệt.

Ông Huỳnh Văn Mười cho biết thêm, khu vực quy hoạch nằm trong định hướng quy hoạch chung của xã, chiến lược phát triển kinh tế của khu vực miền núi Quảng Nam. Mục tiêu trước mắt mà chính quyền và nhân dân Đại Thạnh kỳ vọng vào cụm TM - DV này là ổn định đời sống nhân dân, bố trí khu đất mới cho trạm y tế xã để xây dựng đạt chuẩn quốc gia, chợ đạt chuẩn nông thôn mới; tạo việc làm, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Sát cánh cùng với Đại Thạnh từ khi dự án chưa “thai nghén”, đến nay Công ty TNHH Hữu Thái do ông Nguyễn Hữu Thái làm Giám đốc được tin tưởng giao đảm nhận thi công công trình. Ông Thái tâm sự: “Năm 1990, mình lúc đó 22 tuổi đã lên Đại Thạnh mưu sinh bằng nhiều nghề, rồi nên duyên chồng vợ cùng người con gái ở đây. Tròn 10 năm sau, mình mới chuyển về quê nhà Đại Hòa lập nghiệp với lĩnh vực chủ lực là cơ khí và xây dựng”. Dù không còn ở Bến Dầu, ông Thái vẫn thường xuyên quan tâm đến sự đổi thay của vùng đất nghèo khó này. Hễ có sự kiện nào được địa phương tổ chức, anh đều hăng hái tham gia. “Sự trưởng thành và vươn lên ngày hôm nay là do bản thân đã được trui rèn, đúc kết kinh nghiệm qua những tháng ngày cơ cực mưu sinh ở quê vợ. Mình mang ơn mảnh đất và con người nơi đây rất nhiều nên càng phải cố gắng thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật công trình mà địa phương tin tưởng giao cho” - ông Thái nói thêm.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng Cụm Thương mại - dịch vụ Bến Dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO