Nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, xây dựng đảng bộ vững mạnh là quyết tâm mà đảng bộ, chính quyền 2 xã vùng biên Ga Ry và Ch’Ơm (huyện Tây Giang) đặt ra và thực hiện đạt nhiều kết quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ là một trong những giải pháp được đảng bộ, chính quyền các xã Ga Ry, Ch’Ơm và Đồn Biên phòng 651 quan tâm thực hiện. Ảnh: GIANG HẢI |
Chuyển biến Ga Ry
Khoảng 3 năm trước, Đại úy Trịnh Minh Chúc (cán bộ Đồn Biên phòng 651) được tăng cường về đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry. Khi ấy, cơ sở hạ tầng của xã còn thiếu thốn, điều kiện làm việc của cán bộ gặp nhiều khó khăn; các tổ chức chính trị ở địa phương chưa phát huy được vai trò nòng cốt... Những hạn chế trên được Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ga Ry nhìn nhận và nghiêm túc nghiên cứu đề ra các giải pháp để từng bước khắc phục, chỉnh đốn. Ông Trịnh Minh Chúc chia sẻ, trong các giải pháp được đưa ra thực hiện, địa phương xác định chú trọng tập trung cho công tác cán bộ. Tác phong, tinh thần làm việc của người cán bộ, đảng viên phải được “xốc” lại, đi vào nền nếp, quy củ. Bên cạnh đó, việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện. Đối với các chi bộ cơ sở hoạt động yếu kém, đảng bộ xã thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên có năng lực, tâm huyết của xã - cũng là con em của thôn - về gánh vác chức vụ bí thư chi bộ, đứng điểm sinh hoạt nhằm từng bước vực dậy phong trào. “Trong chương trình công tác của đảng ủy, chúng tôi thực hiện chặt chẽ việc theo dõi, giám sát chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ gắn với trách nhiệm của cán bộ được tăng cường về đứng điểm” - ông Chúc nói.
Ông Hồ Xuân Danh - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry cho hay: “Thời gian qua, Đồn Biên phòng 651 cũng đã chú trọng giới thiệu cán bộ, đảng viên của đơn vị về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã. Qua sinh hoạt tại các chi bộ, cán bộ, đảng viên đã phối hợp lồng ghép chuyển tải các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động đến bà con địa phương. Đồng thời ghi nhận các vấn đề nảy sinh, nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân để tích cực tham mưu các hướng giải quyết hiệu quả”. Đặc biệt, một kết quả ít ai ngờ có thể đạt được là đến nay Ga Ry đã thực hiện thành công chương trình “xóa mù tin học” cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính tại địa phương. “Từ yếu kém, các năm 2010, 2011 xã Ga Ry đã đứng vào tốp địa phương hoàn thành các nhiệm vụ phát triển chung của huyện. Năm 2012, Đảng bộ xã được Huyện ủy Tây Giang công nhận đảng bộ Trong sạch vững mạnh. Đây là những kết quả bước đầu có sức động viên, cổ vũ rất lớn cho cán bộ, đảng viên của xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình công tác được giao” - ông Danh chia sẻ.
Ch’Ơm giữ vững phong trào
Vượt qua các điều kiện khó khăn, thách thức của một địa phương đặc thù vùng biên giới xa xôi, cách trở, từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ xã Ch’Ơm luôn là đơn vị đứng vào tốp lá cờ đầu của huyện. Năm 2012, Đảng bộ xã Ch’Ơm được Tỉnh ủy tặng Bằng khen Đảng bộ trong sạch vững mạnh 5 năm liền. Để có được những kết quả đó, theo Thiếu tá Lê Văn Chín - cán bộ Đồn Biên phòng 651 tăng cường về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã - chính là dựa vào sự đồng thuận, thống nhất cao trong đảng bộ, chính quyền xã. “Khi đề xuất chủ trương, triển khai thực hiện công việc gì chúng tôi đều đưa ra hội ý, bàn bạc để lấy ý kiến thống nhất trong Ban Chấp hành đảng bộ xã. Các đồng chí ủy viên còn được phân công về đứng điểm tại các chi bộ thôn để theo dõi, giám sát, tham gia vực dậy phong trào tại cơ sở. Trong các đợt sinh hoạt định kỳ, chúng tôi đều thực hiện kiểm điểm trách nhiệm nhằm đánh giá chương trình đăng ký hành động gắn với đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ được phân công đảng viên đứng điểm” - ông Chín cho biết. Nhờ vậy, từ ghi nhận, nắm bắt tình hình thực tiễn, địa phương đã triển khai làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng và triển khai các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Cũng theo ông Lê Văn Chín, mặc dù kinh tế - xã hội của địa phương đang từng bước phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân dần được cải thiện, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của Ch’Ơm vẫn còn cao với gần 70%. Đó chính là thách thức lớn và cũng là trăn trở của đảng bộ, chính quyền địa phương. Để giải bài toán thoát nghèo nhanh và bền vững, địa phương xác định, bên cạnh vận dụng phù hợp, có hiệu quả các Nghị quyết 07 của Huyện ủy về tăng cường phát triển chăn nuôi trên địa bàn, Nghị quyết 23 của HĐND huyện về phát triển các giống cây trồng bản địa, đối với Ch’Ơm trong phát triển kinh tế cây lúa nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, tập trung giúp nhân dân khai hoang, nắm vững các kỹ thuật chăm trồng, đưa các giống lúa năng suất cao vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. “Trong các định hướng cho nhiệm vụ phát triển chung của Ch’Ơm, chúng tôi luôn chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ người địa phương. Năm 2013 này, chúng tôi phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% cán bộ đạt chuẩn theo quy định” - ông Chín nói.
HÀN GIANG - MINH HẢI