Bên dòng Trường Giang

ĐÔNG KHÔI 17/01/2022 08:10

Nằm sát sông Trường Giang về hướng tây nên địa danh Tây Giang ra đời. Đây là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của vùng đất huyện Thăng Bình, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Dưới tán cây Sợp, chợ Tây Giang sầm uất một thời là nơi gặp gỡ của sĩ phu yêu nước. (Ảnh tư liệu)
Dưới tán cây Sợp, chợ Tây Giang sầm uất một thời là nơi gặp gỡ của sĩ phu yêu nước. (Ảnh tư liệu)

Với vị trí thuận lợi, là nơi dừng chân của các thuyền giao thương, buôn bán giữa Hội An - Cửa Lở, An Hòa, nên chợ Tây Giang tập trung dân cư khá đông đúc để trao đổi, mua bán hàng hóa. Cũng chính nơi đây, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là địa bàn hoạt động sôi nổi của cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ đảng đầu tiên của vùng đất Thăng Bình.

Cuối năm 1936, một cuộc họp với sự có mặt của đại biểu các phủ, huyện trong tỉnh diễn ra tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh ở làng Tân Hạnh, huyện Hòa Vang (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Ngày 9.8.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với “Địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thăng Bình”.

Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, Nhân dân xã Bình Sa nói riêng và là niềm vui chung của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thăng Bình.

Nơi đây là một “địa chỉ đỏ” có giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hội nghị nghe phổ biến nghị quyết của trung ương, nghe các đại biểu báo cáo tình hình tổ chức đảng, tổ chức quần chúng ở địa phương mình. Hội nghị chủ trương phát triển thực lực của Đảng, thực lực quần chúng cả bí mật và công khai một cách đều khắp hơn nữa, lập nhiều hội ái hữu, hội tương tế, nhóm đọc sách báo, tận dụng báo chí công khai, kết hợp giữa hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp, phát động quần chúng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh theo khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân ngành xe lửa, ủng hộ các tờ báo tiến bộ trong nước.

Hội nghị đã quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Học Giới làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, để đẩy mạnh khôi phục phong trào cách mạng sau một thời gian bị bể vỡ, Tỉnh ủy đã có quyết định quan trọng, đó là phân công các cấp ủy viên phụ trách các phủ, huyện để giúp các địa phương phát triển thêm cơ sở đảng, thành lập các Phủ ủy, Huyện ủy, chuyển phong trào đi lên. Đồng chí Trần Học Giới được Tỉnh ủy phân công về xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng phủ Thăng Bình.

Tại Thăng Bình, đồng chí Trần Học Giới liên lạc với đồng chí Hoành Tánh ở Tây Giang, xã Bình Sa. Trước đó, đồng chí Hoành Tánh đã nhiều lần vào Bến Ván, Tam Kỳ gặp gỡ trao đổi và được đồng chí Trần Học Giới tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.

Vì vậy, sau khi đồng chí Trần Học Giới gặp gỡ, trao đổi chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Hoành Tánh đã nhanh chóng tiếp thu và truyền đạt lại, qua đó tập hợp được một số thanh niên tiến bộ như Nguyễn Niệm, Trương Thanh Đồng và Nguyễn Giai (hay còn gọi là Giáo Ngẫu, người Hòa Tây, nay thuộc xã Tam An, Phú Ninh) tổ chức hội đọc sách và mở hiệu thuốc Đông y có tên Nghĩa Hòa Đường, địa điểm đặt tại nhà ông Trịnh Phương, khu vực chợ Tây Giang.

Hiệu thuốc Đông y Nghĩa Hòa Đường ra đời với hình thức hoạt động công khai là khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cho nhân dân. Từ đó, uy tín, tên tuổi của Nghĩa Hòa Đường ngày một lan rộng, nhân dân khắp nơi đến khám chữa bệnh, trong đó có không ít sĩ phu yêu nước.

Thực chất bên ngoài là khám, chữa bệnh cho nhân dân nhưng bên trong là cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi trao đổi, tuyên truyền tư tưởng, sách báo tiến bộ. Nghĩa Hòa Đường được xem là tổ chức ái hữu đầu tiên của Bình Sa tổ chức để che mắt bọn địch.

Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ, Nghĩa Hòa Đường đã trở thành địa chỉ thu hút nhiều thanh niên, quần chúng yêu nước đến đọc sách báo tiến bộ và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin.

Xét thấy Nghĩa Hòa Đường ngày càng hoạt động mạnh mẽ, hội tụ đầy đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ, ngày 19.6.1939, tại nhà cơ sở ông Trịnh Phương, đồng chí Trần Học Giới thay mặt Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp quyết định thành lập chi bộ đảng ở Tây Giang gồm các đồng chí: Nguyễn Niệm, Hoành Tánh, Nguyễn Ngẫu, do đồng chí Nguyễn Niệm làm Bí thư.

Chi bộ Tây Giang là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của phủ Thăng Bình, tiền thân của Đảng bộ Thăng Bình. Sau khi ra đời, Chi bộ Tây Giang đã vận động phát triển được nhiều tổ chức biến tướng, ái hữu. Hoạt động của chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng trong vùng đông nam Thăng Bình giáp với Tam Kỳ, đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng của huyện những năm 1936 - 1939.

Chi bộ Tây Giang thành lập là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến căn bản của phong trào đấu tranh Cách mạng của Nhân dân xã Bình Sa nói riêng, Nhân dân huyện Thăng Bình nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo dòng chảy của lịch sử, những địa danh như chợ Tây Giang, Cây Sợp, sông Trường Giang đã trở thành nơi lưu dấu những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân xã Bình Sa nói riêng, huyện Thăng Bình nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên dòng Trường Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO