Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ

HÀN GIANG 27/01/2022 05:25

Ngay ở năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025, các địa phương trong tỉnh có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, tạo chuyển biến mới trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín trao tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2021 cho Ban Tổ chức Huyện ủy Núi Thành và Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín trao tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2021 cho Ban Tổ chức Huyện ủy Núi Thành và Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ

Bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương

Trong ba nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), TP.Tam Kỳ xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao, năng lực công tác tốt.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, Quảng Nam tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất, hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ. Ngành tổ chức xây dựng Đảng nghiên cứu, tham mưu thực hiện thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình…

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng chia sẻ, cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, thì việc thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp xã, phường không phải là người địa phương và cán bộ giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị cũng được Ban Thường vụ Thành ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Qua đó, phát huy năng lực, sở trường, hiệu quả trong công tác của cán bộ và lãnh đạo, triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Tam Kỳ dự kiến điều động, luân chuyển gần 40 người, trong đó điều động, luân chuyển ngang giữa các xã, phường 7 người.

Từ đòi hỏi của phong trào ở địa phương và thực tiễn cán bộ, Tam Kỳ đã thực hiện luân chuyển 8 cán bộ, từ thành phố xuống xã phường đảm nhiệm các chức vụ bí thư, chủ tịch UBND cấp xã. Đặc biệt, từ ngày 15.10.2021 - cũng là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy quyết định điều động, luân chuyển ngang 5 đồng chí bí thư ở các phường An Xuân, An Phú, An Sơn, Trường Xuân và Hòa Hương.

Theo ông Hưng, cách làm này vừa đáp ứng chủ trương bí thư đảng ủy không phải là người địa phương và không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, vừa góp phần ngăn chặn, khắc phục những hạn chế có thể phát sinh do giữ chức vụ người đứng đầu quá lâu, như: cục bộ địa phương; vị nể, vị tình thân quen; tâm lý chủ quan, bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa, “cây đa, cây đề”, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền…

“Sau hơn 2 tháng thực hiện điều động, luân chuyển, cả 5 đồng chí bí thư nêu trên bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt hơn ở địa phương mới. Từng bước đưa công tác điều động, luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp. TP.Tam Kỳ cũng kiên quyết thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấm dứt tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ, tình trạng trì trệ, “trên nói dưới không nghe”… bằng nhiều giải pháp” - ông Hưng nhấn mạnh.

Nâng chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số

Quyết liệt triển khai các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, đến nay, công tác cán bộ của huyện Tây Giang có nhiều đổi mới. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, không ngừng được nâng lên về chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo tại các phòng, ban ngày càng tăng; các cơ quan, ban, ngành của huyện đều có cán bộ người dân tộc thiểu số công tác.

Tính đến tháng 12.2021, tại 10 xã, 27 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện có 404 cán bộ người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 73,45%), nữ người dân tộc thiểu số có 85 người (tỷ lệ 21,03%); cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số cấp huyện hợp lý, hài hòa giữa các địa phương.

Theo ông Zơrâm Buôn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang, đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ.

Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ, công chức Đề án 500, Dự án 600 được đưa vào quy hoạch; quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số đảm bảo số lượng, nâng dần chất lượng và đặc biệt có cơ cấu hợp lý trong cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị. Cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 ở cấp ủy xã tỷ lệ 98,31%, cấp ủy huyện tỷ lệ 57,53%, trưởng phòng và tương đương tỷ lệ 86%, phó trưởng phòng và tương đương 62,69%.

“Công tác quy hoạch cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước gắn với bố trí và sử dụng cán bộ. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm, huyện bố trí cán bộ theo chuyên môn và năng lực thực tiễn của mỗi người.

Đặc biệt, không vì phải cơ cấu người dân tộc thiểu số mà hạ điều kiện, bố trí người không đúng chỗ, không đúng ghế. Nhờ vậy, cán bộ, công chức trong huyện, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ, từ đó không ỷ lại mà chủ động, tự giác học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân dộc thiểu số” - ông Buôn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO