Cách đây 93 năm, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời, từ đó đến nay đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mỗi chặng đường cách mạng. Trên hành trình mới, Đảng bộ tiếp tục giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, khơi dậy mọi nguồn lực và khát vọng đổi mới phát triển.
Dám nghĩ dám làm
Ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An), Đảng bộ Quảng Nam ra đời. Đây là đảng bộ ra đời sớm thứ hai cả nước, chỉ sau Đảng bộ TP.Hà Nội.
Sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp giành chính quyền (1930 - 1945), kịp thời chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu cách mạng (1945), đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh thành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Vững tin ở tương lai
“Tôi tin tưởng rằng, trên chặng đường sắp tới, với ý chí, khát vọng đổi mới, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đoàn kết một lòng, đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Trích trong bài phát biểu diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường).
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đối mặt với nhiều khó khăn, Đảng bộ tỉnh vẫn luôn nhất quán trong vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng.
Điển hình là vận dụng linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” với Chiến thắng Núi Thành đêm 25 rạng ngày 26/5/1965, viết nên trang sử vẻ vang cho vùng đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Một trong những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ tỉnh suốt chặng đường qua là phát triển số lượng lẫn chất lượng đảng viên. Từ 70 đảng viên vào cuối năm 1930, đến cuối năm 2022, toàn Đảng bộ có 1.157 tổ chức cơ sở đảng với 71.319 đảng viên.
Thời kỳ 1975 - 1997, từ chủ trương bám sát thực tiễn đời sống của Đảng bộ tỉnh mà công trình đại thủy nông Phú Ninh đã được xây dựng thành công ngoài mong đợi. Đây là công trình, đúng hơn là cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ tỉnh.
Quảng Nam cũng là một trong những địa phương nhanh chóng triển khai chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp và sau đó thực hiện chuyển đổi HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Đặc biệt mạnh dạn “xé rào”, thực hiện “khoán chui” trên nhiều đồng đất, nhằm giải phóng sức sản xuất.
Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục
Sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997), từ điểm xuất phát của một trong những tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, nền kinh tế cơ bản thuần nông, tự cung tự cấp, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều quyết sách táo bạo, khai phóng con đường phát triển mới cho quê hương và đưa Quảng Nam vươn lên trở thành tỉnh khá của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Quảng Nam đã chuyển hướng chiến lược sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là du lịch; Khu kinh tế mở Chu Lai và hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp lần lượt ra đời; hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện… được đầu tư đồng bộ.
“Thành tựu nổi bật của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được minh chứng bằng sự đoàn kết, thống nhất; các chủ trương, quyết sách đúng đắn với tầm nhìn chiến lược, phù hợp, khả thi và năng lực lãnh đạo, điều hành đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân”.
(Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị đã giúp cho Quảng Nam phát triển bao trùm và toàn diện. Hệ thống sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, cửa khẩu quốc tế Nam Giang đang nâng cấp, mở rộng đầu tư được kỳ vọng tạo ra mạng lưới giao thông đa dạng và hấp dẫn bậc nhất của khu vực.
Điểm nhấn quan trọng trong 3 khâu đột phá là sự lớn mạnh và khẳng định được vị thế của Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Thêm vào đó, các chủ trương phát triển kinh tế vùng Đông, vùng Tây của tỉnh nhằm tạo sự tác động phát triển hài hòa giữa các vùng của tỉnh.
Khắp các làng quê đã khoác lên mình tấm áo tươm tất từ thành quả của các phong trào xây dựng nông thôn mới... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 118/194 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,82%.