Những ý kiến tâm huyết gửi đến Đại hội

T.S 13/10/2020 06:34

Đảng bộ Quân sự tỉnh: Xây dựng các tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống

Bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019. Ảnh: T.L
Bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019. Ảnh: T.L

Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng đầu tư, huy động khá lớn nguồn ngân sách địa phương xây dựng công trình phòng thủ, xây dựng cơ bản, phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống; nhiệm kỳ đến, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo thực hiện.

Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để có tư duy, nhận thức đúng quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và xây dựng các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ; phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Vận hành thông suốt, đồng bộ, có hiệu quả cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ. Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo về khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện, bảo đảm ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về quốc phòng ở các cấp; tập trung xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở từng địa phương; điều chỉnh bố trí dân cư tuyến biên giới, đảo gần bờ. Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với người có công, chính sách dân tộc, tôn giáo; tăng cường công tác dân vận, vận động quần chúng của mọi lực lượng, chú trọng các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa...; đồng thời chỉ đạo giải quyết tốt những kiến nghị, tranh chấp từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.

Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, không để ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ của tỉnh; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, các khu vực, địa hình có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận quân sự của tỉnh. Chỉ đạo thẩm định chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời kết hợp chặt chẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh; nhất là kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, cần chú trọng xây dựng các công trình mang tính lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự, sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến.

Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên và củng cố, nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy của lực lượng dân quân tự vệ; tập trung xây dựng cơ quan quân sự các cấp đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới.

Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân vùng biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào), huy động các nguồn lực giúp bạn có hiệu quả; phối hợp triển khai các phương án bảo vệ chủ quyền, không để bất đồng, góp phần xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Ông Lê Đào - Nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ): Đưa ra được những quyết sách đột phá và đi vào thực tiễn

Ông Lê Đào.Ảnh: HOÀI NHI
Ông Lê Đào.Ảnh: HOÀI NHI

Quảng Nam là vùng đất hiếu học và giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Con người nơi đây cần cù, gan dạ, kiên cường, năng động, sáng tạo. Chính điều này đã hun đúc và tiếp thêm động lực để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua. Đơn cử, ở lĩnh vực công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu Lai (Núi Thành) và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) là những “cánh chim đầu đàn”, tạo động lực cho sự phát triển chung. Tiếp đến, chương trình xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh đã tạo nên dáng dấp những làng quê, khu phố văn minh, hiện đại. Điều đáng ghi nhận là, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, trong đó công trình tạo dấu ấn lớn là cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn nối liền các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình với TP.Hội An đã tạo nên những vùng đất “sống” đầy năng động.

Để Quảng Nam tiếp tục bứt phá đi lên, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tôi mong muốn các vị đại biểu cùng nhau thảo luận, đưa ra những quyết sách mang tính đột phá và đi vào thực tiễn. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tôi nghĩ phải tiếp tục lựa chọn các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng đưa vào sản xuất và ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Nhất thiết phải “đại đầu tư” cho nông nghiệp cả về chất xám, nguồn vốn, khoa học công nghệ nhằm tạo ra những “cú hích” mạnh mẽ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất xứ Quảng. Bởi, một khi nông nghiệp “cất cánh” sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp phát triển.

Về đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, các ngành, các cấp của tỉnh cần linh hoạt huy động tối đa các nguồn lực, thậm chí là đi vay, song phải sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải và lãng phí. Mặt khác, tiếp tục nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ. Đi kèm với đó là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để tạo đòn bẩy cho các lĩnh vực kinh tế của Quảng Nam phát triển mạnh và bền vững gắn với chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, mặc dù thời gian qua Đảng bộ tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhưng có thể khẳng định rằng, mỗi cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ tập thể để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phải kế thừa, phát huy hơn nữa những thành tố này để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân...HOÀI NHI (ghi)

Đảng bộ Sở Giao thông vận tải: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ

Lãnh đạo tỉnh gắn biển công nhận tuyến đường Võ Chí Công là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Ảnh: C.T
Lãnh đạo tỉnh gắn biển công nhận tuyến đường Võ Chí Công là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Ảnh: C.T

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; ngành giao thông vận tải được giao nhiệm vụ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng của tỉnh và với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và liên vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Giai đoạn 2015 - 2020 tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng do nhu cầu đầu tư lớn, nguồn lực hạn chế; trong thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dẫn đến nhiều công trình không triển khai được hoặc chậm hoàn thành; hạ tầng giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Công trình giao thông muốn phát huy hiệu quả phải bảo đảm tính kết nối; kết nối càng đồng bộ thì hiệu quả khai thác, mức độ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội càng cao. Tính đồng bộ được thể hiện qua mức độ liên kết giữa hệ thống đường quốc lộ với cao tốc, đường tỉnh với quốc lộ, đường huyện với đường tỉnh, đường đô thị với các đường trục; kết nối giữa các hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không và cảng biển để hỗ trợ, phát huy lợi thế của mỗi loại hình giao thông. Ngoài ra, bản thân mỗi loại hình giao thông phải đảm bảo năng lực phục vụ, không có các điểm nghẽn.

Do đó, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh làm việc, đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm đưa vào danh mục đầu tư công và huy động các nguồn lực khác để mở rộng các tuyến đường trục chính là các tuyến quốc lộ có kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gồm các quốc lộ 14E, 40B, 14G; xây dựng các công trình cầu theo đúng tiêu chuẩn để thay thế cầu tràn, cầu yếu. Tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cầu, mở rộng các đoạn tuyến trên 4 trục đường Bắc - Nam và 8 trục đường Đông - Tây, trong đó chú trọng các trục đi qua các khu vực kinh tế trọng điểm. Huy động nguồn lực, thực hiện thành công Đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; phát triển các tuyến đường phục vụ sản xuất ở khu vực miền núi. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa để hình thành các trung tâm logistics; lấy giao thông làm động lực để phát triển các mục tiêu khác, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Vấn đề quan tâm khi triển khai các dự án là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án do Trung ương triển khai cần thực hiện nhanh công tác này để tạo cơ hội xúc tiến, đề xuất đầu tư các công trình khác trên địa bàn. Đối với dự án do địa phương đầu tư, cần nghiên cứu cẩn trọng, xác định khả năng giải phóng mặt bằng trước khi quyết định đầu tư công trình; không để công trình dở dang, không thể đưa vào sử dụng do chưa đầu tư hoàn thành đồng bộ các hạng mục công trình vì vướng mặt bằng.

Dự báo trong giai đoạn trước mắt, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp khó khăn, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các ngành, địa phương cân đối nguồn lực, lựa chọn các công trình có quy mô phù hợp để triển khai trước, kết hợp triển khai công tác giải phóng mặt bằng các công trình có quy mô lớn để khi có nguồn lực sẽ triển khai thi công; sớm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, đưa vào sử dụng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII.T.S (lược ghi)

KỲ VỌNG CỦA TUỔI TRẺ

Chị Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn:

 

Trong nhiệm kỳ qua, Quảng Nam phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện nay, thế mạnh về phát triển du lịch cần được đầu tư có điểm nhấn. Tỉnh cần có cơ chế hợp lý nhằm thu hút cán bộ trẻ có năng lực để những người trẻ có cơ hội thể hiện và cống hiến cho quê hương. Đồng thời quan tâm về nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là ở các địa phương có khu công nghiệp.

Tôi kỳ vọng đại hội nhiệm kỳ này sẽ chọn ra được những đồng chí lãnh đạo có tâm, có tầm để xây dựng và phát triển quê hương Quảng Nam trở thành tỉnh mạnh ở miền Trung. Tôi cũng mong muốn trong nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường; nói không với các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Đồng thời có cơ chế chính sách thoáng nhằm khơi dậy trong các bạn trẻ tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang:

 

Những năm qua, bộ mặt hạ tầng của tỉnh ngày càng thay da đổi thịt, điện đường trường trạm được đầu tư nâng cấp toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, tốc độ tăng trưởng khá nhanh... Tuy nhiên, 5 năm đến Quảng Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước hết, kinh tế tuy tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa bền vững, có nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh khác nếu không quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về kết cấu hạ tầng và trang thiết bị, lực lượng sản xuất và kỹ thuật mới, tình trạng thất nghiệp vẫn còn nhiều. Thanh niên ít quan tâm hơn đến các vấn đề chính trị, sự kiện của đất nước; văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi đang dần bị mai một và có nguy cơ mất đi nếu không có biện pháp bảo tồn đúng cách... Tôi mong rằng tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong kế hoạch phát triển kinh tế, cần đầu tư đồng đều giữa đồng bằng và miền núi; tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên miền núi. Chú trọng hơn đến công tác giáo dục đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên; quan tâm đến giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số...

Chị Phan Thị Hoài Sương - Bí thư Đoàn xã Tam Giang (Núi Thành):

 

Tôi mong muốn nhiệm kỳ đến, cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục quan tâm, có những định hướng, chủ trương phát huy hơn nữa kết quả đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, thanh niên nghèo, thanh niên hoàn lương. Tạo điều kiện tốt hơn cho vấn đề lập nghiệp, khởi nghiêp của thanh niên. Trong những năm qua, Quảng Nam hết sức quan tâm đến sự phát triển của thanh niên, trong đó có lực lượng thanh niên công nhân, trí thức... Tuy nhiên, đối với thanh niên ngư dân ít được quan tâm đúng mức. Trong khi họ là lực lượng quan trọng vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ ngư trường, lãnh hải... Chính vì vậy, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ đến, tỉnh sẽ có những chính sách, chương trình ý nghĩa đối với thanh niên ngư dân. Tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình đồng hành với thanh niên vùng biển; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên ngư dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước để đầu tư cải tạo phương tiện, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao trong từng chuyến biển...VINH ANH (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ý kiến tâm huyết gửi đến Đại hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO