Xây dựng đề án sắp xếp trường, lớp: Còn nhiều băn khoăn

XUÂN PHÚ 27/02/2019 04:56

Việc sắp xếp trường, lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên ngành GD-ĐT đến nay vẫn còn nhiều khó khăn dù đã triển khai gần một năm qua.

Bậc học mầm non cần bố trí 2,2 giáo viên/lớp mới đáp ứng yêu cầu nuôi dạy. Ảnh: X.P
Bậc học mầm non cần bố trí 2,2 giáo viên/lớp mới đáp ứng yêu cầu nuôi dạy. Ảnh: X.P

“3 giảm”

Với tinh thần “3 giảm”, gồm giảm trường, giảm lớp, giảm đội ngũ, Đề án sắp xếp trường, lớp trên địa bàn tỉnh đang được Sở GD-ĐT xây dựng. Theo đó, đến năm học 2020 - 2021 cả tỉnh sẽ giảm 47 trường và 230 điểm trường. Cơ sở nào để giảm? Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để giảm trường, lớp phải dựa trên một số nguyên tắc và định hướng. Đó là, căn cứ vào số lượng học sinh (HS), số lớp, đảm bảo quyền lợi học tập của HS và theo lộ trình từng năm, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Định hướng mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học có từ 10 lớp trở lên còn dưới 10 lớp thì xem xét ghép với trường THCS trên địa bàn. Riêng trường THCS có quy mô dưới 8 lớp xem xét ghép với trường tiểu học trên cùng địa bàn hoặc sáp nhập theo mô hình trường liên xã.

Tỏ ra băn khoăn khi số lượng trường học giảm nhưng nhu cầu biên chế lại tăng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tấn Lại đề nghị các địa phương cần xác định lại sĩ số HS/lớp, số lượng lớp học 2 buổi/ngày để có cơ sở xác định biên chế đội ngũ GV. Ông Hà Thanh Quốc đề xuất tỉnh nên có quy định sĩ số tối thiểu HS/lớp cho từng vùng miền để các địa phương thực hiện và xem đây là một trong những giải pháp để giảm biên chế.

Gắn với trường, lớp, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cũng theo hướng tinh gọn, không bố trí tối đa vị trí việc làm theo định mức quy định (Thông tư 06 liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT). Cụ thể, trừ những trường học có số lớp khá lớn, còn lại tinh thần là giảm cấp phó hiệu trưởng (trường mầm non, tiểu học, THCS chỉ còn 1 phó hiệu trưởng, trường THPT còn 2 phó hiệu trưởng). Tương tự, tỷ lệ GV/lớp, số lượng nhân viên/trường cũng được bố trí thấp hơn quy định. Với phương án này, toàn ngành sẽ tinh giản được 1.168 biên chế (52 cán bộ quản lý, 714 GV, 397 nhân viên). Tuy nhiên, điều đáng nói là dù giảm trường, giảm lớp, giảm tỷ lệ GV/lớp, nhân viên nhưng nhu cầu biên chế lại tăng. Đến năm học 2020 - 2021, so với thực tế số lượng biên chế giao cho ngành GD-ĐT hiện nay, cả tỉnh sẽ thiếu 1.621 biên chế. Giải thích vấn đề này, ông Quốc cho rằng là do số HS tăng hơn 10.000 em và số lớp tăng 106 lớp. Nhưng điều quan trọng là biên chế giao hiện nay thiếu gần 2.000 người so với định mức, trong đó đội ngũ GV thiếu nhiều nhất - hơn 1.100 người. “Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình thực hiện sắp xếp lại trường, lớp và đội ngũ đối với các địa phương” - ông Quốc chia sẻ.

Nhiều băn khoăn

Thực tế trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại trường, lớp theo hướng giảm điểm trường lẻ, sáp nhập trường chưa đủ số lớp theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn đó khá nhiều băn khoăn. Theo ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Giang, kế hoạch đến năm 2020 - 2021 địa phương sẽ giảm 3 trường, bố trí nhân viên kế toán liên trường. Thế nhưng, do khoảng cách các thôn ở miền núi khá xa 4 - 5km và điều kiện HS ít nên có những điểm trường phải chấp nhận không theo quy định. Trong khi đó, ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cho biết, định hướng của địa phương là giảm số lớp, tăng số HS/lớp. “Mạng lưới trường mầm non và THCS của Duy Xuyên không còn chỗ giảm nữa. Riêng trường tiểu học sẽ giảm 3 trường nhưng có địa bàn như thị trấn Nam Phước vì số HS quá đông nên chấp nhận phải tồn tại 2 trường” - ông Hoàng nói. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, ông Hoàng đề nghị những trường mầm non trên 9 lớp vẫn bố trí 2 phó hiệu trưởng vì công việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất nặng nề, nhất là trường bán trú. Hơn nữa, nếu không đủ 2 phó hiệu trưởng sẽ vướng quy định của Bộ GD-ĐT về trường chuẩn quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ quản lý trường mầm non rất nhiều. Vì vậy, không nên cắt giảm mà vẫn giữ nguyên số lượng 2 phó hiệu trưởng mỗi trường theo quy định. Đội ngũ GV mầm non cũng vậy, cần phải bố trí 2,2 GV/lớp dạy 2 buổi/ngày thay vì 2 GV bởi “người ta tính toán tăng thêm 0,2 cũng là để các cô giáo nghỉ chế độ thai sản”. Còn ông Nguyễn Bá Hảo - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) lưu ý sắp tới đây khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới thì việc bố trí đội ngũ cũng sẽ thay đổi. Cụ thể, trước đây tin học và ngoại ngữ ở bậc tiểu học là 2 môn tự chọn nhưng sắp tới sẽ là 2 môn chính thức bắt buộc phải bố trí đủ GV có thể khiến cho nhu cầu biên chế tăng.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng đề án sắp xếp trường, lớp: Còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO