Bảo vệ môi trường từ những việc làm cụ thể, nhiều người dân và cơ sở dịch vụ du lịch đã tạo sự lan tỏa, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng về điểm đến Quảng Nam “xanh”.
Từ 3 năm nay, ông Lê Nhương (tổ 1, thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã tiến hành chế biến phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp. Những thức ăn thừa hằng ngày được ông gom lại cho vào thùng sơn 20 lít hoặc thùng xốp đậy kín nắp (được đục thủng lỗ dưới đáy để không đọng nước). Sau 15 ngày trộn đều, ông cho thêm 1kg cơm nguội, nước đường đen (nửa bát) tiếp tục ủ, khoảng 30 ngày thì thành phẩm.
Khi sử dụng ông Nhương trộn 1/3 phân và đất hòa với nước để tưới cây trồng. Dù rác thải tại gia đình không nhiều (mỗi ngày khoảng 0,5kg) nhưng ông vẫn chọn cách làm này để vừa đảm bảo môi trường trong sạch vừa có thêm phân hữu cơ sử dụng trồng các rau, hoa, cây cảnh trong vườn.
Theo ông Nhương, phân hữu cơ được ủ từ các loại rác thải nhà bếp sẽ giúp cho cây trồng phát triển tốt, rau xanh non và tuyệt đối an toàn, không độc hại. Nông sản ở Hội An cần được sản xuất theo hướng hữu cơ, và nông dân phải ý thức trong sản xuất cây trồng, không dùng các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu hay chất kích thích tăng tưởng. Thay vào đó nên tập trung làm phân hữu cơ và thuốc thảo mộc chế biến từ gừng, tỏi, ớt xua đuổi côn trùng có hại.
Ngoài ra, cần trồng thêm hoa nhằm đa dạng các loại cây trồng để cân bằng hệ sinh thái và giảm rủi ro cho đồng ruộng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường... Từ mô hình của ông Nhương, nhiều hộ dân cũng đã áp dụng vào vườn rau hữu cơ Thanh Đông, biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch trải nghiệm xanh, sinh thái.
Tại TP.Hội An, trong vài năm trở lại đây các mô hình sản xuất hữu cơ xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể đến An Farm, Heal Organic Farm, Kybimơ Garden, Thanh Đông, An Mỹ... Trong đó Kybimơ Garden (thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà) là khu vườn sinh thái xinh đẹp với gần 100 loại rau quả giá trị.
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (chủ khu vườn) cho biết, việc xây dựng trang trại không chỉ giúp đơn vị chủ động cung cấp nhiều sản phẩm xanh sạch mà còn hướng đến thay đổi nhận thức của du khách về môi trường khi tham quan trải nghiệm nơi này. Ngoài Kybimơ Garden, hiện công ty còn triển khai thêm 2 dự án khác gồm vườn cây dược liệu và khu trải nghiệm nông nghiệp. Tất cả đều gắn canh tác với quy trình xử lý rác thải hữu cơ thông qua việc nuôi trùn quế, bình quân mỗi ngày một khu vườn ủ hơn 100kg rác thải.
Theo nhiều cơ sở dịch vụ, vài năm tới du lịch xanh sẽ đóng vai trò chủ đạo trong phát triển khi nhiều du khách bắt đầu quan tâm hơn đến du lịch trách nhiệm. Một khảo sát cho thấy, 62% du khách chia sẻ cảm thấy tốt hơn khi ở điểm đến có nhãn du lịch xanh trách nhiệm; 41% yêu cầu các công ty du lịch đưa ra lời khuyên về du lịch bền vững khi đi du lịch; 52% du khách mong thay đổi hành vi để sống bền vững hơn khi đi du lịch và 68% muốn số tiền họ chi cho việc đi du lịch để giúp đỡ cộng đồng.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, phát triển du lịch trách nhiệm sẽ là hướng đi mới của du lịch Quảng Nam. Qua đó, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng; bảo tồn giá trị di sản và văn hóa truyền thống, gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Vì thế, Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng đồng hành để xây dựng cơ chế quản lý điểm đến xanh. Trong đó, có cơ chế giảm thiểu rác thải, khí thải môi trường; hỗ trợ bảo trợ thương hiệu sản phẩm, điểm đến du lịch xanh; thay đổi nhận thức, tạo đồng thuận cộng đồng trong hành động.