Qua hơn một năm triển khai đề án xây dựng Cẩm Kim thành làng quê, làng nghề sinh thái, đã mở ra triển vọng về một điểm đến du lịch mới với các giá trị đặc trưng bên ngoài di sản đô thị cổ Hội An.
Mỗi năm Cẩm Kim hơn trên 100 nghìn lượt du khách đến tham quan. Ảnh: K.LINH |
Nhiều lợi thế
Nằm bên bờ nam hạ lưu sông Thu Bồn, tách biệt với phần còn lại của Hội An, Cẩm Kim là địa phương có lợi thế về không gian, cảnh quan, nhất là các tiềm năng về tự nhiên và nhân văn cùng hệ động thực vật phong phú. Cuối năm 2016, tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XI (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2025”. Đây là một bước cụ thể hóa chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển các vùng nông thôn và hải đảo, tạo sự chuyển biến đồng bộ cho thành phố, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn.
Theo ông Phan Trọng Nhân – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, qua gần một năm triển khai, nhiều hạng mục như hạ tầng giao thông; thủy lợi (trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng, chỉnh trang đồng thửa lớn); cơ sở giáo dục, thiết chế văn hóa; bảo vệ môi trường… đã được đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh. Đặc biệt, đã xây dựng bộ tiêu chuẩn cấp cơ sở cho sản phẩm mộc Kim Bồng; hoàn thành hỗ trợ gia hạn nhãn hiệu tập thể “Mộc Kim Bồng”; khôi phục và giới thiệu một số món ăn truyền thống đưa vào khai thác du lịch; xây dựng clip quảng bá du lịch Cẩm Kim; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh viên du lịch cộng đồng; lập quy hoạch phát triển khu kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ ẩm thực tại địa phương; tiến hành điều tra, khảo sát các tài nguyên nhân văn trên địa bàn xã; lập danh mục các di tích cần đầu tư, tu bổ giai đoạn 2017 – 2020 như đình tiền hiền Kim Bồng, giếng Tứ Tộc, lăng Ông, lăng Bà….
Theo ông Nhân, để giữ được làng quê, làng nghề sinh thái, việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn hết sức quan trọng, nhất là việc xanh hóa tường rào, trồng thêm nhiều cây xanh... Ngoài ra, địa phương cũng đã chuyển đổi một số cơ cấu cây trồng nhằm góp phần tăng cao thu nhập cho người dân. Riêng chương trình du lịch làng nghề, địa phương đang phối hợp với Phòng Thương mại - du lịch; Phòng Kinh tế thành phố đầu tư tôn tạo các điểm đến, xây dựng hệ thống thông tin, bản chỉ dẫn đến các điểm tham quan, tiếp tục triển khai các kế hoạch khôi phục và phát triển làng nghề trên địa bàn xã.
Điểm du lịch sinh thái
Thực tế, phát triển du lịch Cẩm Kim từ lâu đã được TP.Hội An chú trọng, trong đó Cẩm Kim có vai trò là cầu nối giữa phố cổ với các vùng phía nam sông Thu Bồn như Bàn Thạch, Trà Nhiêu, xa hơn là Mỹ Sơn… Theo thống kê, mỗi năm Cẩm Kim đón khoảng hơn 100 nghìn lượt khách tham quan, riêng năm 2017 số khách du lịch đến xã ước đạt 110 nghìn lượt. Làng mộc Kim Bồng với các giá trị văn hóa, lịch sử của mình trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (cơ sở mộc Huỳnh Ri) khẳng định, du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi sinh và phát triển làng nghề thông qua các hoạt động đón khách tham quan và kinh doanh thương mại. Hiện hơn 40 hộ còn làm nghề mộc trong làng hoạt động theo hướng vừa sản xuất vừa kinh doanh. “Năm 2017 tổng thu nhập của cơ sở đạt gần 4 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với 2016. Ngoài doanh thu từ thi công các công trình, việc bán hàng lưu niệm sản phẩm làng nghề cũng rất hiệu quả, đặc biệt thông qua du lịch, thương hiệu mộc Kim Bồng đã được nhiều du khách biết đến, từ đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề ngày càng tốt hơn” - ông Huỳnh Sướng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, bên cạnh các phường đô thị trung tâm có lợi thế phát triển nhờ vào du lịch thì 4 xã còn lại của thành phố gồm Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim và Tân Hiệp tương đối khó khăn hơn. Do đó, việc ra đời của đề án hướng đến mục đích chủ yếu là hỗ trợ nguồn lực để cho địa phương có cơ hội phát triển nhưng vẫn đảm bảo về môi trường, cảnh quan, làng quê sinh thái vì đây là tài nguyên lớn nhất hiện nay cũng như trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn không chỉ cho người dân Cẩm Kim mà cả Hội An.
Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở đề án đã được HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể giai đoạn 2017 - 2020. Riêng năm 2017, cùng với chương trình nông thôn mới của tỉnh, ngân sách thành phố bố trí cho Cẩm Kim hơn 7 tỷ đồng, chủ yếu ưu tiên đầu tư hạ tầng liên quan đến văn hóa, du lịch, môi trường trên địa bàn xã. Đặc biệt, tập trung khôi phục làng nghề mộc Kim Bồng (đang phối hợp với Sở KH-CN triển khai việc dán nhãn làng nghề cho các sản phẩm). Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo xã tập trung vào phát triển nông nghiệp sạch gắn với chuyển đổi diện tích khoảng 9.000m2 sang sản xuất nông nghiệp theo hướng này. “Một số nhiệm vụ năm 2018 mà thành phố và địa phương đang triển khai là đảm bảo diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tìm giải pháp hạn chế nguy cơ hồ chứa nước Cẩm Kim bị nhiễm mặn, đảm bảo nước tưới cho hơn 50ha đất lúa của xã. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo địa phương sắp xếp lại trật tự cảnh quan của trung tâm làng mộc Kim Bồng, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm đến một thời điểm đủ điều kiện sẽ trình tỉnh xem xét cho phép tổ chức bán vé tham quan tại làng nghề, qua đó giúp người dân phát triển du lịch theo hướng cộng đồng bền vững” - ông Hùng cho biết.
KHÁNH LINH