Hôm qua 21.2, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào năm 2018, đề ra phương hướng hoạt động năm 2019. Khá nhiều trăn trở được các địa phương đưa ra, ngõ hầu để phong trào có chất lượng hoạt động tốt hơn, gắn bó với đời sống người dân nhiều hơn...
Tổ chức hoạt động vui xuân tại nhà văn hóa cũng là cách để các thiết chế văn hóa thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt... Ảnh: L.Q |
Thiếu người trẻ tham gia
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thẳng thắn chia sẻ, rất nhiều lần Mặt trận tổ chức tuyên truyền hoạt động cộng đồng về các khu dân cư, thôn xóm, thấy chủ yếu người lớn tuổi tham gia. “Ví dụ như khi chúng tôi tổ chức tuyên truyền về phòng chống ma túy trong cộng đồng, chỉ toàn những người dân hiền lành, lớn tuổi đi nghe. Trong khi lớp thanh niên, giới trẻ - những đối tượng cần được nghe, cần phải biết hơn cả thì lại không có” - ông Long nói. Và câu chuyện này không phải chỉ những người làm công tác gắn bó với cơ sở, người dân như Mặt trận mới nhận thấy. Rất nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng thiếu vắng những người trẻ của địa phương. Đại diện Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thị xã Điện Bàn cho biết, rất khó để vận động nhân dân tham gia các hoạt động tại thiết chế văn hóa thể thao xã, thôn. Một số địa phương chưa phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm VH-TT xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn. Việc thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ, đội nhóm tham gia tại một số trung tâm VH-TT, nhà văn hóa và khu thể thao thôn gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của các đoàn thể. Thông thường, các đội, nhóm, câu lạc bộ của giới trẻ mang tính tự phát, tùy theo sở thích chung và đam mê mà hình thành. Để “lôi kéo” những người trẻ này vào hoạt động thường xuyên ở các thiết chế văn hóa của địa phương thì không chỉ cần có cơ sở vật chất tốt mà đòi hỏi phải có sự khuyến khích từ người đứng đầu địa phương, sự hưởng ứng của người dân...
Trong khi đó, với thiết chế văn hóa đặc thù như gươl, các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang vẫn gặp phải cảnh dù đã trang bị khu thể thao ngay tại sân gươl vẫn không thể kéo được giới trẻ đến đây sinh hoạt truyền thống. Đại diện Ban Chỉ đạo phong trào huyện Đông Giang cho biết, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện phong trào gắn với bảo tồn các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu dù đã được khai thác nhưng sự đầu tư vẫn còn thấp, chưa đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị mang đậm bản sắc truyền thống. Trong khi đó, phần lớn giới trẻ miền núi hiện nay đã có thiết bị điện tử thông minh, nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa của họ đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ các đô thị. “Hệ thống trang thiết bị và các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình mới” - đại diện Ban Chỉ đạo phong trào huyện Đông Giang chia sẻ.
Huy động mọi nguồn lực
Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 353 nghìn hộ được công nhận gia đình văn hóa; hơn 1.400 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa; 76 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 19 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; hơn 1.200 lượt tộc họ, hơn 1.900 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa... |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, thời gian tới cần phải tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, đặc biệt hướng đến việc xây dựng nông thôn mới cũng như thay đổi diện mạo nông thôn từ cả cơ sở vật chất lẫn việc thụ hưởng đời sống văn hóa của người dân. Phương hướng hoạt động tiếp theo của phong trào này sẽ là đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo nền tảng tinh thần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Về vấn đề xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa cộng đồng, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, năm qua tại địa phương đã bắt đầu có những bước chuyển tích cực. Nổi bật là có một hợp tác xã chuyển hướng đầu tư tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa cho cộng đồng, đặt tại xã Tiên Phong, trở thành điểm nhấn ấn tượng cho việc thực hiện phong trào năm 2018 của huyện Tiên Phước. Theo ông Huy, đây chính là mô hình xã hội hóa xây dựng thiết chế đầu tiên tại huyện trung du này, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Bên cạnh một số mặt còn trăn trở, những gì đem lại cho đời sống văn hóa - xã hội của người dân từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua 19 năm triển khai đã cho thấy đây là một phong trào đúng đắn, góp phần cải thiện và nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia hoạt động, sinh hoạt văn hóa. Tuy nhiên, để đi thêm một đoạn đường dài, từng mảng, từng danh hiệu của phong trào buộc phải có sự thay đổi để thích ứng với những biến đổi của một đời sống mới.
LÊ QUÂN