Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, người dân ở vùng Tam Thăng, Tam Thanh đang nỗ lực chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Câu lạc bộ Bài chòi Tam Thăng tổ chức điểm hô hát bài chòi phục vụ nhân dân. |
Khai thác thế mạnh
Ông Trương Thành Nhân, cán bộ phụ trách Văn xã, Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã Tam Thanh, khoe với chúng tôi về những hoạt động văn hóa nổi bật người dân địa phương đã làm được: “Chuyện vận động bà con xây dựng thiết chế văn hóa như sân vận động, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng giờ khá thoải mái. Từ đầu năm 2013, TP.Tam Kỳ bắt đầu triển khai những chương trình mục tiêu đầu tư xây dựng và quảng bá du lịch biển Tam Thanh, từ đó, ý thức về bảo tồn và phát triển văn hóa làng biển dần hình thành trong đời sống người dân.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Tam Thanh hiện nay gắn với công tác xây dựng xã văn hóa và phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch biển ngày càng được chú trọng. Các lớp tập huấn về kinh doanh dịch vụ du lịch cho người dân được UBND xã Tam Thanh phối hợp cùng các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ tổ chức mang lại hiệu quả thiết thực. Câu lạc bộ Dịch vụ du lịch văn hóa xã Tam Thanh được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các hộ kinh doanh, với nội quy, quy chế hoạt động phù hợp đã chấn chỉnh được những hình ảnh “không đẹp mắt” thường xảy ra ở các bãi biển. Ông Nguyễn Văn Hải, một người kinh doanh tại đây, chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng chèo kéo khách hàng đã giảm hẳn, tác phong phục vụ cũng được nâng lên đáng kể, góp phần xây dựng bãi biển Tam Thanh ngày càng văn minh lịch sự. Bãi biển đẹp và những chủ nhân của nó ứng xử có văn hóa thì mới thu hút được khách du lịch. Thu nhập chúng tôi cũng từ đó tăng lên”.
Ngày 1.4 hằng năm được Tam Thanh chọn làm ngày hội làng biển, lấy theo ngày Bác Hồ về thăm làng nghề cá, nên những ngày này, người dân Tam Thanh rộn ràng chuẩn bị cho các hoạt động sẽ diễn ra theo kế hoạch. Đối với những người làm nghề cá, lễ hội làng biển có sự tác động rất lớn, đó vừa là tín ngưỡng vừa là hội làng truyền thống. Vậy nên dù ai có đi đâu, làm gì, ngày hội làng cũng đều trở về quê hương, cùng sinh hoạt truyền thống với bà con. Ông Trương Thành Nhân cho biết, năm nay bà con chọn ngày 26.3 tổ chức lễ hội làng biển, vì thời gian này ngư dân không phải ra khơi, dù có phải xê dịch đôi chút với ngày chính lễ. Cũng theo ông Nhân, đến giữa tháng 6 tại địa phương sẽ diễn ra Tuần lễ Du lịch biển với nhiều hoạt động đậm tính dân gian truyền thống cũng như tái hiện một phần nghi thức trong các buổi tế lễ của ngư dân.
Xã hội hóa
Ở Tam Thăng, sau gần 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với trọng tâm là phong trào xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa, đời sống văn hóa của người dân được nâng lên đáng kể. Nhà văn hóa thôn Mỹ Cang và Nhà văn hóa thôn Thạch Tân của xã đều đã đạt chuẩn, góp phần hoàn thiện những tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
Đã nhiều năm qua, trò chơi dân gian hô hát bài chòi được nhân dân Tam Thăng gìn giữ, phát huy. Trong đó có thể kể đến câu lạc bộ Bài chòi xã Tam Thăng. Những thành viên trong Câu lạc bộ như Trương Minh Hạnh, Châu Thị Tứ, Vũ Công Minh… đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Thành lập từ năm 2004, đến năm 2011, câu lạc bộ cho ra đời tuyển tập những bài hát bài chòi được biên soạn bài bản, công phu, in ấn và lưu hành trong người dân toàn xã, với hy vọng ai ở Tam Thăng cũng có thể hát được bài chòi. Tam Thăng còn là địa phương huy động khá tốt nguồn xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa. Riêng năm 2013, thông qua xã hội hóa, địa phương đã vận động đóng góp gần 1,2 tỷ đồng cho các hoạt động văn hóa. Theo những người làm công tác văn hóa của xã, để xã hội hóa tốt trong lĩnh vực này, cần phải phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, phát huy năng lực và đội ngũ cán bộ, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực, sát với nhu cầu người dân, mang đậm tính cộng đồng, thu hút đông đảo người dân cùng tham gia.
LÊ QUÂN