Hiện rất ít địa phương trong tỉnh triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (HSĐC&CSDLQLĐĐ).
Việc đo đạc, cấp bìa đỏ đất nông nghiệp ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Ảnh: A.TUẤN |
Điều chỉnh đo đạc
Năm 2012, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng hệ thống HSĐC&CSDLQLĐĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và sau năm 2015. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện tất cả các hạng mục từ khâu khảo sát thiết kế, lập dự toán công trình đến khâu hoàn thành sản phẩm tại TP.Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn. Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai tại 13 huyện, thành phố còn lại. Tại TP.Tam Kỳ, đến nay đã đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính ở 13/13 xã, phường với tổng diện tích 5.415/5.308ha (tăng hơn 106ha so với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt). Tại Núi Thành, đo đạc hơn 25.808/24.060ha (tăng hơn 1.748ha so với thiết kế). Tại Thăng Bình và Duy Xuyên đo đạc lập bản đồ địa chính hơn 8.641/10.205ha (giảm hơn 1.564ha). Nhờ đo đạc bản đồ địa chính, đơn vị thi công, tư vấn giám sát kịp thời, người dân tích cực hợp tác trong việc cung cấp thông tin xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất, hồ sơ, giấy tờ về đất đai… nên công tác kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt bìa đỏ) có nơi đảm bảo thời gian và khối lượng. Tại TP.Tam Kỳ, công tác họp xét, công khai niêm yết hồ sơ đất đai tại trụ sở UBND phường, xã diễn ra minh bạch. Theo thống kê, đến cuối tháng 4.2013 có 5.787 hồ sơ được hội đồng tư vấn cấp xã, phường họp xét (cấp mới 422 hồ sơ và cấp đổi 5.365 hồ sơ). Các phường Hòa Hương, An Phú, Phước Hòa và xã Tam Ngọc công khai niêm yết 4.461 hồ sơ; riêng các phường An Xuân, An Sơn, Trường Xuân, Tân Thạnh và xã Tam Thăng chưa tổ chức niêm yết công khai.
Từ tháng 1.2011 đến nay, toàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính với hơn 39.865ha, trong đó tỷ lệ 1/500: 1.485ha, tỷ lệ 1/1000: hơn 2.102ha, tỷ lệ 1/2000: 34.017ha và tỷ lệ 1/5000 là hơn 2.259ha. |
Huyện Núi Thành có 40.620 hồ sơ đăng ký, kê khai của hộ gia đình, cá nhân (cấp mới 11.400 hồ sơ, cấp đổi 29.220 hồ sơ). Tuy nhiên, nhiều hồ sơ vẫn chưa tổ chức niêm yết do hội đồng tư vấn đang xét duyệt. Tương tự, tại vùng đông huyện Thăng Bình và Duy Xuyên, đơn vị thi công tiến hành kê khai đăng ký cho hộ gia đình, cá nhân với 13.423 hồ sơ, nhưng mới thông qua hội đồng tư vấn cấp xã gần 6.000 hồ sơ. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý đất đai từ nay đến cuối năm là lập dự án đầu tư trang thiết bị vùng đông sông Trường Giang thuộc huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và dự án đầu tư khu đo tại vùng tây Thăng Bình, Duy Xuyên và Quế Sơn; khai thác sử dụng hệ thống HSĐC&CSDLĐĐ theo dạng số.
Nhiều vướng mắc
Dù đã có lộ trình cụ thể, nhưng nhìn chung công tác quản lý hồ sơ đất đai của nhiều địa phương gặp rất nhiều vướng mắc. Thời điểm này, toàn tỉnh mới có 4/18 huyện, thành phố triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký cấp bìa đỏ, xây dựng hệ thống HSĐC&CSDLQLĐĐ. Với tiến độ như hiện nay, theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường việc hoàn thành dự án theo yêu cầu đặt ra đến năm 2020 là rất khó đảm bảo. Trong khi đó, hầu hết địa phương miền núi có tiến độ cấp bìa đỏ chậm, thậm chí có huyện chỉ đáp ứng hơn 50% chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Về việc này, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Dương Chí Công lý giải, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cán bộ chuyên trách ở cơ sở, ngân sách nhà nước cấp cho đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật hồ sơ… còn hạn chế. “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý đất đai tại cấp huyện, xã chưa đồng bộ để quản lý dữ liệu và khai thác thông tin theo dạng số. Hồ sơ địa chính phần lớn ở các địa phương lập theo nhiều mẫu biểu ở các thời điểm khác nhau nên gây trở ngại đến công tác đăng ký cấp bìa đỏ cũng như khâu bảo quản, lưu trữ, cập nhật thông tin” – ông Công cho biết.
Hoàn thiện cơ sở quản lý dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính luôn thu hút nhiều ý kiến đóng góp trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. TRONG ẢNH : UBND tỉnh chủ trì họp lấy ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi. |
Trong khi đó, các địa phương lại cho rằng, trong quá trình đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, có sai sót về số liệu so với kê khai đăng ký; do vậy đơn vị thi công phải chỉnh sửa, hoàn tất bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất, kết quả đo đạc địa chính thửa đất… Một khó khăn khác, nhiều địa phương rất lúng túng trong việc xác định nguồn gốc đất của hộ gia đình, cá nhân. Nhiều trường hợp xác định sai dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng nên hội đồng tư vấn cấp xã, phường rất “dè dặt” trong niêm yết công khai hồ sơ. Ông Công thừa nhận, việc họp xét giải quyết hồ sơ kê khai đăng ký cấp bìa đỏ của hội đồng tư vấn cấp cơ sở, công tác niêm yết tại địa phương còn chậm và phát sinh vướng mắc. Thực tế, khâu kê khai, đăng ký cấp bìa đỏ về đất nông nghiệp phát sinh khối lượng lớn, nhưng đội ngũ cán bộ địa chính mỏng nên không đáp ứng được thời gian, kế hoạch đề ra. Cạnh đó, các tổ chức sử dụng đất ở các địa phương nằm trong vùng triển khai dự án chưa hoặc không kê khai đăng ký hồ sơ đầy đủ. Do nguồn gốc đất thiếu rõ ràng nên khâu xác lập hồ sơ ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa gặp khó khăn…
TRẦN HỮU