Hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) là phiên bản số của hồ sơ bệnh án giấy, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời. Ngày 1.3.2019, thông tư quy định hồ sơ EMR sẽ có hiệu lực. Ngành y tế của Quảng Nam nhận định ra sao khi triển khai ứng dụng EMR? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc.
Việc áp dụng bệnh án điện tử sẽ giảm khá nhiều thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế: Quảng Nam thuận lợi để triển khai EMR
Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc xây dựng EMR tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn tỉnh. Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở KCB tự xây dựng kế hoạch, đăng ký triển khai khai EMR. Theo lộ trình chung của Bộ Y tế: Giai đoạn từ năm 2019 - 2023, các cơ sở KCB hạng I trở lên triển khai; các cơ sở KCB khác căn cứ nhu cầu, năng lực để chuẩn bị các điều kiện và triển khai khi đáp ứng các yêu cầu. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Thật ra, trước đây, sở đã chỉ đạo các BVĐK tuyến tỉnh sớm nghiên cứu các vấn đề liên quan, đầu tư xây dựng các điều kiện cơ bản để hướng đến xây dựng EMR như: HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện); LIS (Hệ thống thông tin xét nghiệm); RIS (Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh); PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh). Và một số bệnh viện đã đầu tư. Thuận lợi là Quảng Nam đã triển khai xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân trên toàn tỉnh. Người dân KCB đều đã được lưu trữ hồ sơ, đến tận trạm y tế xã. Hồ sơ có đủ tóm tắt thông tin người bệnh, thông tin quản lý giám định thanh toán chi phí KCB bảo hiểm. Vì vậy một phần điều kiện cơ sở đã được chuẩn bị, tương đối thuận lợi trong quá trình triển khai EMR.
Xét điều kiện của tỉnh, Sở Y tế có kế hoạch từ năm 2019 - 2020, các BVĐK tuyến tỉnh phải triển khai. Các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện có điều kiện thì năm 2023 sẽ làm. Kế hoạch chậm nhất năm 2025 hoàn tất việc xây dựng EMR trên toàn tỉnh. Các BVĐK của Quảng Nam đang là bệnh viện hạng 2. Việc xây dựng EMR sẽ cùng lúc và là cơ sở để việc triển khai xây dựng các bệnh viện này thành BVĐK hạng 1, theo quy hoạch phát triển ngành y tế. Đó là các BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực miền núi phía Bắc và BVĐK khu vực Quảng Nam. Đặc biệt, BVĐK khu vực mền núi phía Bắc đã đăng ký triển khai EMR ngay trong năm nay. Ở tuyến huyện, có 3 bệnh viện có các điều kiện thuận lợi để triển khai EMR là: Duy Xuyên (đã có trang bị hệ thống PACS), Quế Sơn và Hiệp Đức (đang có các dự án đầu tư có nội dung về xây dựng EMR).
Tuy vậy, tiến trình triển khai EMR ở Quảng Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực dành cho ngành y tế. Để đầu tư cho hệ thống này phải có nguồn lực lớn. Đối với các cơ sở KCB có nguồn thu lớn thì có thể đầu tư một phần để xây dựng hệ thống. Đối với các đơn vị có nguồn thu thấp, thì sẽ phải có sự hỗ trợ từ ngân sách mới mong triển khai được.
Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ tạo thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Có thể khẳng định, việc xây dựng EMR càng sớm thì càng có lợi. Theo phân tích, EMR giúp giảm các quy trình trong KCB ngoại trú, điều trị nội trú, giảm thời gian đi lại, chờ đợi phiền hà cho người bệnh. Ví dụ như quy trình chụp phim phổi, quy trình cũ một bệnh nhân đi khám phổi sẽ phải thực hiện qua 19 bước. Nếu ứng dụng EMR, nhiều công đoạn của quy trình này được lược giản, chỉ còn 7 bước. Bác sĩ khám bệnh chỉ cần nhập yêu cầu vào phần mềm và chỉ định thẳng tới hệ thống máy chụp mà không cần qua bộ phận hành chính. Sau khi chụp, phim dưới dạng số hóa được chuyển thẳng đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Sau khi chẩn đoán hình ảnh trên máy, bác sĩ này bấm gửi đến bác sĩ khám bệnh. Kết thúc lượt khám bệnh, phim được lưu vào hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân để sử dụng cho lần sau và ở những bệnh viện khác nhau.
EMR cũng tiết kiệm thời gian ghi chép mà nhiều nghiên cứu đã ước tính hết 1/3 thời gian làm việc của y bác sĩ tại bệnh viện. Áp dụng EMR, một bệnh nhân vào viện có mã số, thầy thuốc thiết lập vào hệ thống sẽ có những thông tin bệnh tật của bệnh nhân, quá trình bệnh lý, dị ứng, kháng thuốc, điều này rất có lợi trong cả quá trình KCB của đời người. Ngoài ra, EMR sẽ loại bỏ bệnh án giấy mà mỗi năm một bệnh viện tuyến tỉnh như Quảng Nam thường chi phí in ấn cả tỷ đồng. Rồi tiết kiệm việc in film - chi phí vài tỷ đồng mỗi năm của một bệnh viện tỉnh. EMR sẽ kết nối hồ sơ quản lý sức khỏe bệnh nhân. EMR cũng sẽ được sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế.
TS-BS.Phạm Ngọc Ẩn (Giám đốc BVĐK tỉnh): Nên thí điểm ở một vài cơ sở sau đó mới nhân rộng
Trước hết EMR là điều bắt buộc phải làm vì y tế hội nhập nếu mình không làm thì sẽ tụt hậu, không thể kết nối làm việc được với các cơ sở khác. Thực hiện được EMR sẽ có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất là đỡ tốn kém công ghi, lưu trữ. Nếu có một cơ sở dữ liệu tương đối lớn, một cá nhân nào đó sẽ được theo dõi từ trong bụng mẹ cho đến lúc lìa đời, trong quá trình đó họ đau ốm chữa trị như thế nào sẽ được lưu trữ lại. Chỉ cần nhấp chuột trên máy tính, các bác sĩ ở cơ sở điều trị sẽ biết được bệnh nhân này có tiền sử bệnh tật như thế nào, và tự bản thân bệnh nhân họ cũng sẽ theo dõi được sức khỏe của mình. Thứ hai, giảm được vấn đề lưu trữ. Theo quy định hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế, nếu bệnh án thông thường thì bệnh viện phải lưu trữ 10 năm, bị tai nạn lao động thương tích là 15 năm, tử vong thì lưu trữ 20 năm. Cho nên hiện nay dù BVĐK tỉnh rất chật chội, quá tải nhưng ít nhất phải dành ra 5 - 6 phòng để lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ EMR sẽ giải quyết được vấn đề đó. Thêm nữa, EMR sẽ giúp người dân đỡ phải chí phí xét nghiệm cận lâm sàng nhiều lần.
Vấn đề là ở cấp vĩ mô, Sở Y tế sẽ chọn phần mềm của ai để tương thích với phần mềm HIS đã có sẵn ở địa phương. Phải trang bị LIS và RIS cho các bệnh viện. Vấn đề về kinh phí cũng gây không ít khó khăn. Theo ý tôi, trước hết, các nhà quản lý phải có đội ngũ tham mưu chọn phần mềm của ai để đảm bảo yếu tố dễ sử dụng, dễ thay đổi, giá thành phải hợp lý. Trên cơ sở đó, phải trang bị cho các bệnh viện. Mỗi tỉnh nên làm thí điểm ở một vài cơ sở để rút kinh nghiệm rồi mới nhân lên. Làm được EMR sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề.
Nhưng bên cạnh đó là con người. Ứng dụng công nghệ đòi hỏi chữ ký số. Bên cạnh đó, sẽ dùng công nghệ nào để bảo mật. Nếu lộ bí mật sức khỏe theo quy định pháp luật sẽ xử lý như thế nào. Phải làm gì để bệnh nhân chỉ được xem hồ sơ sức khỏe của cá nhân mình, rồi bác sĩ có được phép chia sẻ thông tin của bệnh nhân và chia sẻ cho ai, như thế nào… đến vấn đề kinh tế trong y tế, về bệnh viện tự chủ. Theo tính toán, nếu đầu tư đầy đủ hệ thống cơ sở để triển khai EMR thì buộc bệnh viện phải đông bệnh nhân, nguồn thu lớn mới đáp ứng chi phí đầu tư.
Hiện nay BVĐK đã có hệ thống HIS, cũng đã xây dựng đề án nâng cấp cơ sở hạ tầng, hạ tầng thông tin để trình cho tỉnh xin đầu tư. Đây là việc bệnh viện phải làm. Vì phải lưu trữ được dữ liệu rất lớn mới có thể làm được EMR. Đầu tư phần mềm, hệ thống truyền tin, tín hiện wifi… là những việc cần thiết. Phương án của bệnh viện là giữ một phần ít thông tin cơ bản, phần còn lại là thuê dữ liệu để lưu giữ.
ThS-BS. Phạm Ngọc Hòa Bình (Giám đốc Bệnh viện Minh Thiện): Kinh phí đầu tư là vấn đề
Bệnh viện Minh Thiện là bệnh viện hạng 3, nên nếu bắt buộc áp dụng EMR thì phải đến năm 2024. Tuy nhiên năm 2017, khi xây dựng phần mềm mới thì nhà cung cấp phần mềm đã hoàn tất những khâu để sau này khi ứng dụng EMR sẽ thuận tiện hơn. Tại TP.Hồ Chí Minh, đã có một số bệnh viện tuyến 1 triển khai trước. Khi xây dựng, về nền tảng phần mềm, ngay bây giờ chúng tôi triển khai vẫn được.
Tuy nhiên, để ứng dụng EMR thì không phải chỉ đơn giản như vậy. Khó khăn đầu tiên khi triển khai EMR theo thông tư của Bộ Y tế, là văn bản hướng dẫn hiện vẫn chưa có. Mặc dù ở bệnh viện có thể hoàn toàn chuyển qua EMR và in ra nếu cho phép. Cái khó là bảo hiểm y tế có đồng ý không. Bộ Y tế phải có thông tư liên bộ đồng ý vì gần như trên toàn quốc hơn 90% người dân có bảo hiểm y tế. Vào bệnh viện thì viện phí người dân chi trả rất ít. Vậy điều đặt ra là đơn vị Bảo hiểm sẽ chi trả qua EMR hay hồ sơ giấy, nếu không đồng bộ thì bệnh viện sẽ tốn gấp đôi hoặc gấp ba.
Điều thứ 2 là chi phí đầu tư ban đầu. Chỉ riêng hệ thống PACS đã tốn hơn 20 tỷ đồng. Liệu rằng các bệnh viện tuyến huyện họ có đầu tư hay không? Bệnh viện tư như chúng tôi sẵn sàng đầu tư, đặt ra một số giải pháp như hệ thống PACS được chia ra từng gói một, bên đơn vị phần mềm họ sẵn sàng cung cấp luôn và cho bệnh viện thuê. Thứ nữa là khi đã làm EMR thì buộc phải đầu tư máy móc, cơ sở vật chất. Riêng bác sĩ thì phải trang bị IPAD, triển khai giao diện để bác sĩ vận hành. Một việc nữa, không phải bác sĩ nào cũng có thể rành về công nghệ thông tin, nên phải đào tạo tập huấn cho bác sĩ.
Dù phải đối diện với những khó khăn như vậy, nhưng Bệnh viện Minh Thiện chắc chắn phải thực hiện, vì chúng tôi thuộc khối tư nhân. Các bệnh viện công có thể không thực hiện vì ngân sách không đầu tư. Nhưng bệnh viện tư không làm thì tự anh phải ra khỏi cuộc chơi. Bắt đầu từ ngày 1.3 này, bệnh viện sẽ áp dụng từng bước để hoàn thiện dần việc ứng dụng EMR. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng về khâu bảo mật thông tin bệnh nhân.
Trong thông tư mỗi cơ sở được cung cấp Data, thì phải quy định là đơn vị nào để chúng tôi ký kết hay bệnh viện chỉ được phép dùng Icloud? Như thế thì sẽ gây khó về vấn đề bảo mật. Ai là người được phép truy cập? Quy định là truy cập bằng chữ ký số. Nhưng tôi ví dụ như bệnh nhân, ở mỗi bệnh viện họ lại có một mã truy cập khác nhau. Vậy thì cần phải có sự thống nhất trên hệ thống. Mục tiêu của chúng ta là hướng đến mỗi người dân có một mã số về hồ sơ bệnh án duy nhất, như thế mới gọi là đồng bộ.
Bệnh viện Minh Thiện hiện giờ sẽ làm theo cách là thực hiện từng bước, ở khâu bảo mật thì chỉ trong hệ thống bệnh viện được truy cập chứ không đẩy lên cổng. Chúng tôi làm theo hướng là sẽ nhập hồ sơ bệnh nhân và mỗi ngày sẽ lưu thông tin bệnh nhân, cho đến ngày bệnh nhân ra viện sẽ in thành tập và giao bác sĩ ký, thay vì bác sĩ phải ký hằng ngày thì giờ sẽ ký một lần để lưu. Nhưng lại đặt ra là văn bản in đó thì Sở Y tế có chịu hay không? Nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Lý do là bệnh viện tư chắc chắn phải làm, và điều này hoàn toàn có lợi cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện.
TS-BS. Đinh Đạo (Giám đốc BVĐK Trung ương Quảng Nam): EMR là con đường duy nhất trong tương lai
Lợi ích của EMR mang lại rất lớn, cập nhật thông tin hồ sơ bệnh án nhanh, chính xác, sử dụng lại nhiều lần, giảm thời gian ghi hồ sơ bệnh án giấy cho nhân viên y tế. Truy cập bất cứ thông tin của hồ sơ bệnh án tại mọi điểm, bất cứ nơi nào có internet, không tốn không gian để lưu trữ hồ sơ giấy…
Tuy nhiên, không phải bất cứ bệnh viện nào cũng đủ điều kiện để thực hiện EMR. Hạ tầng công nghệ thông tin phải đồng bộ và có cấu hình đảm bảo: hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, đường truyền phải đồng bộ và ổn định đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục với cường độ cao, phải trang bị hệ thống dự phòng khi có sự cố ở tất cả thiết bị trọng yếu. Máy tính, laptop, IPAD cho người dùng cũng phải được đầu tư chiếm một phần kinh phí không nhỏ. Phần mềm quản lý của bệnh viện phải có các phân hệ bao phủ lớn liên quan đến các hoạt động chuyên môn của bệnh viện và được kết nối HIS - LIS - PACS thông suốt. Hồ sơ EMR liên quan đến hầu hết hoạt động chuyên môn rộng khắp của bệnh viện nên cần phải xây dựng quy trình tác nghiệp cho tất cả mảng công việc liên quan và phải có kế hoạch triển khai đồng bộ giữa các bộ phận. Việc lựa chọn một đơn vị có đủ năng lực để triển khai toàn diện các điều kiện hạ tầng với chi phí hợp lý cũng là bài toàn khó của các cơ sở khám chữa bệnh và là điều kiện tiên quyết đến thành công của EMR.
Chữ ký số hiện tại trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp, triển khai cũng không quá phức tạp, tuy nhiên sẽ tốn cho đơn vị kinh phí tương đối để duy trì chữ ký số hằng năm. Vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh thông tin vấn đề quản trị của hệ thống thông tin bệnh viện khi triển khai đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi cơ sở khám chữa bệnh phải đầu tư nguồn lực cho công nghệ thông tin.
Xác định EMR là con đường duy nhất phải đi cho ngành y tế trong tương lai. BVĐK Trung ương Quảng Nam là 1 trong 10 bệnh viện trên cả nước được chọn thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý và xử lý hình ảnh, đọc kết quả, trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim - là nền tảng để xây dựng hồ sơ EMR trong tương lai. Tuy nhiên, trước đó, bệnh viện đã có những bước chuẩn bị đầu tiên từ năm 2011 với nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để đi đến việc xây dựng EMR. Năm 2011, bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý HIS, sau đó là LIS. Bệnh viện đầu tư đồng bộ về máy chủ, thiết bị y tế, đường truyền, mới đây bệnh viện đầu tư thêm 1 tỷ đồng để nâng cấp phần cứng, chuẩn bị cho bước nhảy áp dụng EMR sắp tới… Năm 2018, BV đã có tờ trình Bộ Y tế để xin chủ trương áp dụng hệ thống EMR, và dự kiến trong năm 2019 này, chúng tôi sẽ bắt đầu ứng dụng EMR.
Giá trị pháp lý của hồ sơ bệnh án điện tử (Điều 2. Chương I) Hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư này thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (Điều 3. Chương I) 1. Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 2. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: a) Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy. b) Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. c) Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. 3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này. (Trích Thông tư số: 46/2018/TT-BYT ngày 28.12.2018, của Bộ Y tế, quy định hồ sơ bệnh án điện tử) |
XUÂN HIỀN - TÂM THƯ