(QNO) - Chiều nay 7/7, UBND TP.Tam Kỳ phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA Việt Nam) tổ chức hội thảo tham vấn hợp phần chiến lược tổng thể thành phố thông minh Quảng Nam và kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ thuộc Dự án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam.
Dự án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam, TP.Tam Kỳ được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2021. Dự án gồm 7 hợp phần, trong đó hợp phần 1 liên quan đến việc xây dựng chiến lược tổng thể thành phố thông minh Quảng Nam và kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ dự kiến kết thúc vào cuối năm 2025.
Tầm nhìn của hợp phần kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ hướng đến việc đưa Tam Kỳ trở thành đô thị của tương lai, khởi nguồn của hạnh phúc và mục tiêu chiến lược đưa Tam Kỳ trở thành đô thị dẫn đầu trong xây dựng hệ thống vận hành, quản lý dựa trên dữ liệu.
Về hiện trạng xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị thông minh, Tam Kỳ đã thu thập dữ liệu, xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu về cấu trúc không gian, công trình, giao thông, giấy phép xây dựng, thông tin quy hoạch thành phố, thông tin văn hóa… nhưng chưa đăng tải. Các dịch vụ thí điểm đang chuẩn bị xây dựng bao gồm: camera giao thông, camera giám sát tốc độ, cảm biến ngập lụt, wifi công cộng.
Với hợp phần kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã dự thảo kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh. Theo đó, hợp phần sẽ thiết lập vùng thông minh Quảng Nam bao gồm: Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành.
Các chuyên gia đề xuất 6 chiến lược triển khai để đạt được mục tiêu vùng thông minh của tỉnh gồm: tăng cường chức năng giao lưu quốc tế và logistics, đảm nhận vai trò logistics và giao lưu thông minh cấp quốc tế; phát triển hạ tầng để xây dựng mạng lưới thông minh phục vụ liên kết chức năng với các đô thị lân cận; trang bị chức năng phức hợp về công nghiệp hiện tại, logistics, hành chính, y tế… với công nghệ thông minh hình thành vùng trọng điểm thông minh dẫn đầu; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông để thúc đẩy đổi mới khu vực; xây dựng hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng dịch vụ ứng dụng công nghệ thông minh để hình thành đô thị bền vững, giảm phát thải các bon.
Đại biểu tham dự hội thảo đã giới thiệu nhiều kinh nghiệm điển hình trong xây dựng dịch vụ thí điểm và trung tâm điều hành tổng hợp tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ với một số nét tương đồng mà Quảng Nam có thể tham khảo trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, vùng thông minh.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý, tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để bổ sung, hoàn thiện dự thảo. Tam Kỳ cam kết phối hợp chặt chẽ với KOICA Việt Nam và đơn vị tư vấn để thực hiện các hợp phần dự án đảm bảo kế hoạch, tiến độ, chất lượng, đặc biệt là khâu quản lý vận hành và khả năng nhân rộng mô hình, các dịch vụ đô thị thông minh trong thời gian tới.