Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế và thích ứng dịch bệnh

TRỊNH DŨNG 07/10/2021 05:53

Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tổ chức hôm qua 6.10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương cần chủ động, linh hoạt phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng dịch bệnh, đạt đến mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2021.

Quang cảnh phiên họp trực tuyến sáng ngày 6.10. Ảnh: T.D
Quang cảnh phiên họp trực tuyến sáng ngày 6.10. Ảnh: T.D

Kinh tế phát triển trong khó khăn

Sự sụt giảm nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III đã giảm đến 29,5% so quý trước, giảm 23,7% so cùng kỳ. Song nhờ một số ngành sản xuất có chỉ số tăng cao các tháng đầu năm nên chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng qua vẫn tăng 7,4%.

Trừ khai khoáng giảm 5,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải vẫn tăng (5,5%, 35,7% và 15%).

Dù chỉ số tồn kho tháng 9 tăng 22,8% (nhu cầu thị trường giảm, hàng sản xuất chưa thể xuất khẩu), nhưng chỉ số tiêu thụ công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng vẫn tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước.

Tăng mạnh nhất là hàng may sẵn (51,5%), sản xuất plastic và cao su tổng hợp (34,5%), sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (10%), cưa, xẻ, bào gỗ (9,3%), xe có động cơ (7,2%), chế biến thủy sản (4,7%).

Thương mại, dịch vụ tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm. Lượng doanh thu lưu trú giảm 67,5%, du lịch lữ hành giảm 82,4%. Nông nghiệp, thủy sản có gia tăng chút ít nhưng đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng nền kinh tế không nhiều (ước tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2021 đạt 517,5 nghìn tấn, tăng 1,87% so với năm 2020 và sản lượng thủy sản tăng 2,9 nghìn tấn so cùng kỳ).

Tăng tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công và xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế là yêu cầu đặt ra cho 3 tháng cuối năm. Ảnh: T.D
Tăng tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công và xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế là yêu cầu đặt ra cho 3 tháng cuối năm. Ảnh: T.D

Dấu hiệu lạc quan nhất khi ngân hàng đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng với nguồn huy động đến ngày 30.9 tăng 3,77% và dư nợ cho vay cũng tăng 3,63%. Thu ngân sách nội địa dù khó khăn vẫn đạt 13.030 tỷ đồng (đến ngày 30.9), bằng 81% dự toán và tăng 57%.

Sau những nỗ lực cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án, các cuộc kiểm tra, giám sát, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng gia tăng khi đã giải ngân gần 3.524,4 tỷ đồng (đạt 49,1% kế hoạch vốn sau điều chuyển).

Kết quả thu hút đầu tư không có chuyển biến đáng kể. Số lượng lẫn số vốn đăng ký của các dự án giảm sâu so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 6 dự án FDI, 26 dự án đầu tư nội địa được cấp phép (giảm 1 dự án FDI, giảm 56,8% số vốn, giảm 43% số dự án nội địa và giảm 35% số vốn đăng ký). Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm hơn 9%, giảm 9,6% số vốn đăng ký nhưng lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng đến 44%...

Thích ứng phục hồi kinh tế

Dự báo, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sẽ rất thấp. Khả năng cao nhất sẽ chỉ khoảng 8/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Sự bất an của nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thu ngân sách dự báo sẽ gặp khó khăn. Còn đầu tư công vẫn ì ạch giải ngân. Rất nhiều dự án có nguy cơ mất vốn khiến việc đóng góp vào tăng trưởng GRDP sẽ không như mong đợi.

Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng sẽ khó đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân, nhất là việc khắc phục các đường ĐH vì quy trình, thủ tục đầu tư mất quá nhiều thời gian, không cách gì có thể rút ngắn được. Đây là nỗi lo chung của các dự án đầu tư ở miền núi.

Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc thừa nhận vẫn khó có thể giải ngân theo kế hoạch khi nhiều dự án lớn như nạo vét sông Cổ Cò, cầu Nghĩa Tự hiện giải ngân không đạt yêu cầu.

Đại diện nhiều địa phương đều cho rằng đã sử dụng hết nguồn kinh phí dự phòng, ứng thêm để phòng chống dịch, không biết làm thế nào để có thể mở cửa phục hồi kinh tế khi lượng vắc xin vẫn được phân bổ quá ít.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An nói các kích cầu du lịch đều không hiệu quả. Kinh tế gần như kiệt quệ. Địa phương đã sẵn sàng để mở cửa đón khách, nhưng thiếu vắc xin nên sẽ rất khó.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sức ép mở cửa, không thể “đóng” nền kinh tế kéo dài trong khi tiêm chủng thấp đã đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương. Song, không nên quá cứng nhắc hay quá thoáng chuyện phòng dịch, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch an toàn phục hồi kinh tế, thích ứng với diễn biến dịch bệnh.

Việc mở cửa nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc phòng chống dịch bệnh và tiến độ phủ vắc xin trong dân chúng. Dự kiến lượng vắc xin sẽ về Quảng Nam nhiều hơn. Ngành y tế đã được chỉ đạo sẵn sàng cơ sở vật chất, thiết bị nhân lực để mở rộng tiêm chủng. Ít nhất đến giữa tháng 11.2021 sẽ có khoảng 90% dân số Quảng Nam được tiêm vắc xin.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói tỷ lệ tiêm chủng gia tăng sẽ đảm bảo cho các kế hoạch phục hồi kinh tế. Số lượng vắc xin sẽ được phân bổ nhiều cho khu vực kinh tế, phát triển du lịch. Ngành du lịch sẽ phải phối hợp với Đà Nẵng, Huế cùng bàn kế hoạch, xây dựng các tour, từng bước phục hồi ngành du lịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không còn cách nào khác, các địa phương phải đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân, không thể để trung ương rút vốn. Xem xét dừng kỹ thuật, bảo đảm an toàn công trình trước thiên tai. Nỗ lực tối đa để có thể thu ngân sách, huy động từ nhiều nguồn để có thể vượt chỉ tiêu.

Sẵn sàng ứng phó thiên tai, dịch bệnh (có thể xảy ra kép), chuẩn bị lương thực, ứng cứu người dân các khu vực chia cắt, tiến hành xây dựng nhà tránh bão, lũ hạn chế thiệt hại về người, tài sản và nền kinh tế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế và thích ứng dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO