Xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa ở di sản Hội An: Nhận diện những tác động

TRẦN VĂN AN - LÊ THỊ THU THỦY 16/10/2014 08:40

Để bảo vệ phố cổ, ngành chuyên môn của địa phương đang xây dựng Kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa đối với Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Nguy cơ từ hỏa hoạn, lụt và bão

Nhận thấy tính cấp bách và cần thiết đối với việc bảo vệ di sản khỏi thảm họa, UNESCO đã yêu cầu các cơ quan quản lý các di sản thế giới xây dựng kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa để bảo vệ di sản. Với ý nghĩa quan trọng đó, từ tháng 4.2013, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã bắt đầu nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa riêng cho khu Di sản thế giới Hội An với sự giúp đỡ của Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia ICCROM. Bước đầu, kế hoạch đã nêu được những điểm yếu dễ bị rủi ro của khu di sản nếu thảm họa xảy ra như khu di sản nằm ở hạ lưu của các con sông lớn gồm Thu Bồn, Vu Gia cộng với nhiều đập thủy điện ngăn nước ở thượng nguồn, nguy cơ khu phố cổ bị cuốn trôi hay ngập lụt nhiều lần và bất thường là điều có thể xảy ra; với địa thế nằm ở dọc bờ biển thì khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão đổ bộ vào là không thể tránh khỏi; hay hầu hết kiến trúc nhà phố ở đây đều bằng gỗ, có 364/453 cửa hiệu bán những mặt hàng dễ cháy như vải vóc, quần áo may sẵn, da thuộc, tranh ảnh và đặc biệt là gần như toàn bộ nhà dân sống trong khu di sản đều sử dụng bình gas để nấu nướng…Một điểm yếu khác mang tính chủ quan là cộng đồng cư dân chưa nhận thức rõ về nguy cơ thảm họa và khả năng ứng phó của cộng đồng với thảm họa còn hạn chế, thiếu kỹ năng và các phương tiện hỗ trợ tại chỗ.

Hội An nhìn từ trên không. (Nguồn: Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An)
Hội An nhìn từ trên không. (Nguồn: Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An)

Qua việc phân tích, đánh giá các dữ liệu thu thập được theo phương pháp của UNESCO và sự giúp đỡ của tình nguyện viên Alistair Henchman – Úc, tổ xây dựng kế hoạch đã đưa ra 3 mối nguy hiểm chính mà khu di sản Hội An đang đối mặt là hỏa hoạn, lụt và bão. Ngoài những mối nguy hiểm này thì sóng thần, động đất cũng được đưa vào xem xét, tuy nhiên chúng được xem là các mối nguy hiểm tiềm ẩn do chưa từng xảy ra tại khu vực Hội An. Xét về mức độ nghiêm trọng thì cả ba mối nguy hiểm đều được xem là có nguy cơ cao hoặc cực kỳ nguy hiểm đối với khu di sản. Bên cạnh những mối nguy hiểm lớn này, nhóm nghiên cứu cũng nhận diện được hơn 15 tác động phụ nảy sinh khi thực hiện các hành động ứng phó như tác động của vòi nước chữa cháy lên các cấu kiện gỗ gây ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của di tích, hay xói mòn các chân trụ móng nhà do lụt ngâm quá nhiều ngày và nhiều lần sẽ làm di tích dễ bị xiêu vẹo, xuống cấp...

Xây dựng chương trình hành động

Cùng với việc xác định điểm yếu, các mối nguy hiểm, các tác động phụ, các chuyên gia và tổ xây dựng kế hoạch cũng đã đề xuất nên xác định mức độ của khả năng xảy ra và hậu quả của thảm họa để đưa ra những biện pháp giảm thiểu chúng. Phương pháp này được thực hiện theo cách ước tính do những người có kinh nghiệm về thảm họa đối với di sản thực hiện. Kế hoạch nêu rõ nếu giảm thiểu khả năng xảy ra, sẽ giúp tránh được thiệt hại lớn về tài chính, tránh gây gián đoạn sinh hoạt của cộng đồng dân cư, quan trọng hơn là giúp tránh được những tác động xấu đối với giá trị di sản và tiết kiệm hơn so với chi phí cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong trường hợp của khu di sản Hội An, có thể thực hiện nhiều hành động để giảm thiểu khả năng xảy ra đối với nguy cơ hỏa hoạn bởi nguyên nhân chủ yếu là sự bất cẩn của con người. Đối với lụt, để hạn chế khả năng xảy ra cần phải có sự hỗ trợ, góp sức của các cấp chính quyền trong việc cải thiện công tác quản lý dòng chảy, xả lũ của các đập thủy điện và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Ngược lại, trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi bão thì không thể thực hiện được các hành động giảm thiểu khả năng xảy ra nhưng có thể thực hiện các hành động giảm thiểu tác động phụ đi kèm như chống đỡ di tích, chống thấm dột... để hạn chế thiệt hại cho di sản.

Trên cơ sở các phương pháp đánh giá, tính toán và rà soát công tác đã từng triển khai, kế hoạch đã đưa ra 4 nhóm chương trình hành động gồm: lập kế hoạch chiến lược cho các hành động và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan; giáo dục và tập huấn cho cộng đồng và cán bộ các cơ quan ban ngành có liên quan; ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của thảm họa và hỗ trợ ứng phó thiên tai; thực hiện công tác giám sát để đảm bảo các chương trình này được thực hiện đầy đủ. Kế hoạch cho thấy nếu chuẩn bị càng tốt cho công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại trước khi thảm họa xảy ra là cách hữu hiệu nhất để gìn giữ, bảo vệ cộng đồng và giá trị Di sản văn hóa Hội An.

Đến nay, kế hoạch này đang lấy ý kiến đóng góp của các ban ngành. Sắp tới, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ báo cáo UBND TP.Hội An và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch.

TRẦN VĂN AN - LÊ THỊ THU THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa ở di sản Hội An: Nhận diện những tác động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO