Thị xã Tam Kỳ trở thành thành phố tỉnh lỵ năm 2006, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của quá trình đô thị hóa. Kể từ thời điểm đó, thành phố bắt đầu tập trung nhiều hơn các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt là kết cấu hạ tầng - điểm có thể xem là mấu chốt trên hành trình phát triển đô thị của TP.Tam Kỳ. Theo đó, hàng loạt chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị đã được đầu tư tạo sự phát triển đột phá.
Đầu tư hạ tầng đô thị
Năm 2010, Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, xác định mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị Tam Kỳ đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã xây dựng “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020” và đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 03 (ngày 6.10.2011). Mục tiêu xây dựng đô thị tỉnh lỵ ngang tầm trung tâm tổng hợp cấp vùng, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, dịch vụ và khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Cửa ngõ phía bắc TP.Tam Kỳ được mở rộng khang trang.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển đô thị Tam Kỳ đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện qua nhiều năm qua. Đến nay, nhiệm vụ quan trọng này đã đạt được kết quả khả quan. Kinh tế thành phố có tốc độ tăng trưởng khá. Chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ lên gần 73%, đảm bảo là ngành kinh tế chủ lực. Kết cấu hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ. Hệ thống giao thông đô thị, cấp thoát nước thời gian qua đã được thành phố quan tâm đầu tư, mở rộng khá nhiều, trong đó đáng chú ý như việc mở rộng quốc lộ 1 (đoạn vào cửa ngõ thành phố), xây dựng cầu Kỳ Phú 1&2, tuyến ĐT616 Tam Kỳ - Tam Thanh, các tuyến giao thông nội thị, nâng cấp nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải và sẽ khởi công xây dựng đường Điện Biên Phủ (nối từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến biển Tam Thanh), kè sông Bàn Thạch...
Nhiều bước phát triển
Năm năm qua, Tam Kỳ quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Nhiều công trình tạo không gian công cộng được đầu tư khá lớn như nâng cấp Quảng trường 24.3, quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, đường vào địa đạo Kỳ Anh, cải tạo và trồng cây xanh tạo cảnh quan sinh hoạt công cộng các hồ điều hòa, Nhà Văn hóa thiếu nhi; đang xây dựng quảng trường biển tại bãi biển Hạ Thanh 1 (Tam Thanh); đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu công viên ven sông Bàn Thạch, khu công viên ven sông Tam Kỳ, khu công viên trước Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, khu vực địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy Sông Đầm.
Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn đảng bộ và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân, TP.Tam Kỳ đã vận động thu hút được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố. Nhờ đó, kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị đã có nhiều bước phát triển đột phá, tạo diện mạo mới cho đô thị Tam Kỳ.
Tam Kỳ xây dựng thành phố theo hướng đô thị xanh, thân thiện với môi trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sát “đích” đô thị loại II Trên con đường xây dựng phát triển đô thị, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, đến nay TP.Tam Kỳ đã cơ bản đạt được các tiêu chí của đô thị loại II. Đến nay, đô thị Tam Kỳ đã đạt được 41/49 chỉ tiêu theo Nghị định 42 (ngày 7.5.2009) của Chính phủ và Thông tư 34 (ngày 30.9.2009) của Bộ Xây dựng về phân loại đô thị. Trong đó, đạt 5/7 chỉ tiêu về chức năng đô thị, đạt 2/3 chỉ tiêu về quy mô dân số toàn đô thị, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, đạt 28/30 chỉ tiêu về hệ thống công trình đô thị, đạt 5/7 chỉ tiêu về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đáng chú ý, có nhiều chỉ tiêu yêu cầu khá cao nhưng thành phố cũng đã hoàn thành như tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 là 1.262 tỷ đồng (so với chỉ tiêu tối đa theo quy định là 600 tỷ đồng), mức tăng trưởng kinh tế đạt trung bình hàng năm hơn 14% (chỉ tiêu tối đa là 7%). Một số chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, hệ thống cấp điện, chiếu sáng công cộng, giảm nghèo… đều vượt xa quy định tối thiểu của đô thị loại II; chỉ còn 8 chỉ tiêu gần đạt và chưa đạt, trong đó 5 chỉ tiêu thành phố phấn đấu sẽ đạt trong năm 2015 và còn 3 chỉ tiêu khó đạt là quy mô dân số, tỷ lệ tăng dân số và thu nhập bình quân đầu người. Tính theo thang điểm quy định, đô thị Tam Kỳ hiện đã đạt 84,4 điểm, cao hơn so với quy định tối thiểu là 70 điểm của đô thị loại II. |
Cùng với đầu tư các nguồn lực, quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, do đó thành phố đã hợp đồng với Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Nhật Bản thực hiện lập Quy hoạch chung xây dựng TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công bố rộng rãi trong thời gian qua. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố quản lý và định hướng phát triển đô thị trong tương lai; làm cơ sở triển khai thực hiện lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, hướng đến một đô thị xanh, nhân văn, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2015 - 2016, thành phố sẽ tập trung đầu tư nâng cao các chỉ tiêu đã đạt và các chỉ tiêu gần đạt thông qua nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo môi trường sống tốt, tạo động lực thu hút, tăng cường sức hấp dẫn của đô thị.
Đô thị xanh, thân thiện môi trường
Bên cạnh nỗ lực của thành phố, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh. HĐND tỉnh thông qua một số cơ chế đối với TP.Tam Kỳ giai đoạn 2016 - 2020; có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thuận Yên - Trường Xuân như cơ chế hỗ trợ Khu công nghiệp Tam Thăng và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để thành phố hoàn thành các chỉ tiêu gần đạt, chưa đạt của đô thị loại II như khớp nối các khu dân cư, mật độ đường đô thị và cải tạo chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan đối với các tuyến phố chính để đạt tuyến phố văn minh đô thị. Đó là những giải pháp tốt nhất để Tam Kỳ tiếp tục đi đến đích đô thị loại II trong năm 2016 và xa hơn là đô thị xanh, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường theo hướng mở rộng đô thị về phía đông đã được xác lập trong Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những vấn đề này sẽ được quyết định thành nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hạ tầng đô thị nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XX.
Đó là quyết tâm chính trị của toàn đảng bộ, toàn dân nhưng quyết tâm đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể của từng cấp ủy, chính quyền và tâm huyết, trách nhiệm, lòng yêu quê hương của từng người dân thì mới trở thành hiện thực, vì một thành phố quê hương phát triển bền vững, thân thiện. Tin tưởng rằng tất cả người con của quê hương, mỗi người sống, làm việc, yêu mến và gắn bó với với Tam Kỳ sẽ đóng góp công sức và trí tuệ để ước vọng chung trở thành hiện thực.
VĂN ANH TUẤN
(Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ)