Xây dựng khu công nghiệp sinh thái

TRỊNH DŨNG 03/10/2016 08:47

Xây dựng, phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái là con đường dài nhưng phải làm bằng được nếu muốn phát triển bền vững trong một vài thập niên tới. Đây cũng là câu chuyện bàn luận tại hội thảo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái Việt Nam được tổ chức tại Hội An ngày 29&30.9.

Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo.Ảnh: T.D
Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo.Ảnh: T.D

Việt Nam chưa có KCN sinh thái

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam đã xây dựng 321 KCN, khu chế xuất (KCX) với tổng diện tích gần 90.000ha, thu hút khoảng 6.600 dự án FDI và 6.200 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 105 tỷ USD và 693 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động trên 71%, nhưng hiện tại chưa có KCN, KCX nào đáp ứng được tiêu chuẩn sinh thái. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho hay trong 10 năm trở lại đây, khu vực sản xuất, chế biến đã giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh. Các KCN trên toàn quốc đã đóng góp tới 40% tổng sản lượng công nghiệp và 49% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp trong KCN chiếm 70% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước hàng năm.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục mặt trái sản xuất công nghiệp, nhưng việc xử lý ô nhiễm công nghiệp luôn đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản. Theo ông Đông, 16% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 20% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải nguy hại gia tăng và đe dọa sức khỏe, đời sống người dân quanh KCN…

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhìn chung có tiến bộ đáng kể nhưng nhìn cụ thể thì có chuyện. Cơ cấu ngành đẳng cấp thấp, nền công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp. Nền nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo kiểu “đèn cù”. Thay cây, thay con liên tục nhưng quanh quẩn tình trạng sản lượng cao, chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực và giá trị gia tăng thấp. Ông Thiên dẫn ra con số hơn 80% FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, chỉ 5 - 6 sử dụng công nghệ cao và 14% ở mức thấp và lạc hậu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thiết bị hiện đại chỉ 10%, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%. “Động cơ thúc đẩy tăng trưởng của giới kinh doanh trong mô hình hiện tại là các lợi ích cục bộ ngắn hạn và giới quản lý chạy theo chủ nghĩa thành tích. Tăng trưởng dựa vào các trụ cột chính là khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, đầu tư vốn dễ dãi, khai thác lao động rẻ, chất lượng thấp, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp. Cơ chế phân bổ nguồn lực ít căn cứ vào hiệu quả mà dựa vào mục tiêu chủ quan, vẫn nặng cơ chế xin cho, chia đều” - ông Thiên nói

Hướng đến KCN sinh thái

Ông Trần Duy Đông cho biết nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển công nghiệp tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới, tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng môi trường. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng mô hình KCN sinh thái. Đây là mô hình và khái niệm khá mới cho dù đơn giản chỉ là phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp cần tiến tới sản xuất sạch, đổi mới quy trình sản xuất, quy trình quản lý, đổi mới công nghệ để sử dụng hợp lý và tiết kiệm năng lượng… Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, nâng cao lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh. Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là hơn 4,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, thí điểm tại KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ) được nhận diện sẽ làm cơ sở để mở rộng hình thành các KCN sinh thái trong tương lai.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng tăng cường hiệu quả tài nguyên đã trở thành nhu cầu kinh tế thiết yếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển trong vài thập niên tới. Mọi nền công nghiệp ở bất cứ quy mô, lĩnh vực nào đều có thể tăng cường hiệu quả sản xuất bằng những phương pháp có hệ thống. Các KCN, khu kinh tế Việt Nam phải thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải đảm bảo không gian xanh và khuyến khích các công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải để hình thành các KCN sinh thái trong tương lai, hướng tới mục đích phát triển công nghiệp bền vững mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi. Nhưng, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam thì hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ông Raffaela Ortner (Hiệp hội Công nghiệp Áo) cho rằng việc đầu tư trong KCN sinh thái sẽ có năng lực cạnh tranh toàn cầu, triển vọng dài hạn. Tuy nhiên, vai trò thích hợp của chính phủ chính là tạo chất xúc tác. Đó là khuyến khích hoặc thậm chí thúc đẩy các công ty nâng cao khát vọng của mình và tiến tới thực hiện cạnh tranh ở cấp độ cao hơn mặc dù quá trình này có thể vốn đã không êm đềm và đầy khó khăn. Chính phủ không thể tạo ra các ngành cạnh tranh, chỉ công ty mới có thể làm được điều đó. Bà Camile Henri - chuyên gia phân tích và kiểm toán chiến lược kinh doanh bền vững của Pháp cho rằng chính phủ tạo ra lợi thế cạnh tranh trong KCN sinh thái để tăng đóng góp xuất khẩu vào GDP và tránh đi gánh nặng cuộc sống, phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu.

Xây dựng KCN sinh thái có dễ không vẫn là câu chuyện đáng bàn. TS.Heinz Leuenberger - Cố vấn kỹ thuật trưởng dự án KCN sinh thái cho rằng muốn trở thành KCN sinh thái là con đường dài nhưng phải làm bằng mọi giá. Chính phủ cần đưa ra chính sách khuyến mãi song hành với thể chế quản lý tốt môi trường đầu tư. Từng công ty phải đặt ra mục tiêu hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư, phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải, cộng sinh công nghiệp. Rà soát các chủ trương của ban quản lý các KCN, quản lý ngành, sản xuất sạch hơn, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích phát triển KCN nhưng phải kiểm soát nghiêm ngặt tác động môi trường (chính sách “cây gậy và củ cà rốt”). Còn ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói, công cuộc chuyển đổi hết sức khó khăn. Lợi thế không ở lao động giá rẻ. Cần thay đổi nhận thức và tầm nhìn sống sạch, chung sống với thiên nhiên. Việt Nam có cơ hội tiến lên nhờ hội nhập, nhưng có làm được không và có kịp không? Phụ thuộc vào điều gì? Theo ông Thiên đó là xây dựng cơ chế biến cơ hội thành áp lực hành động lên bộ máy và doanh nghiệp cộng với chế độ trách nhiệm cá nhân.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng khu công nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO