Từ khi xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đến nay, thôn Bãi Hương trên đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có mức thu nhập cấp thôn cao nhất tỉnh.
Thôn Bãi Hương nằm tách biệt, cách trung tâm xã đảo Tân Hiệp hơn 5km về phía tây nam. Từ năm 2017, Quảng Nam đã chọn thôn Bãi Hương là một trong những địa phương làm điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại thời điểm đó, thôn mới đạt 4/10 tiêu chí. Chỉ sau gần 2 năm xây dựng, cuối năm 2018, Bãi Hương là thôn đầu tiên của Hội An được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Xin - Trưởng thôn Bãi Hương cho biết: “Thay đổi rõ nét nhất là kinh tế thôn Bãi Hương, mấy năm trước khó khăn còn bây giờ khá lên rất nhiều. An ninh trật tự rất tốt, thôn không có tội phạm. Đời sống bà con được nâng cao, sự giao tiếp của người dân đối với du khách ngày càng gần gũi”.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ngành thương mại - du lịch - dịch vụ trên đảo Cù Lao Chàm, tại thôn Bãi Hương, các hoạt động chuyển đổi sinh kế cũng mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Toàn thôn có hơn 100 hộ với gần 400 nhân khẩu thì đã có đến 70% số hộ tham gia các loại hình dịch vụ du lịch. Có 11 hộ gia đình mở dịch vụ lưu trú trong nhà dân, 3 hộ mở nhà hàng, 3 hộ buôn bán hải sản khô, 10 hộ buôn bán hải sản tươi cùng nhiều loại hình dịch vụ khác như thu hái rau rừng, nước lá lao, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, chạy xe ôm…
Trước đây, Bãi Hương là thôn xa xôi, cách trở và khó khăn nhất xã đảo Tân Hiệp. Tuy nhiên, những năm qua, địa phương phát triển mạnh về kinh tế, chủ yếu là dịch vụ du lịch và khai thác hải sản.
Cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng, có mức thu nhập cấp thôn cao nhất Quảng Nam. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tại đây đã lên đến 49,1 triệu đồng. Thời điểm năm 2020, thôn Bãi Hương đã 14 năm liền được công nhận là thôn văn hóa. Toàn thôn không còn hộ nghèo.
Từ năm 2019 về trước, mỗi năm Bãi Hương đón khoảng 300 nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Điều đáng ghi nhận là hoạt động dịch vụ du lịch đều tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn và phát triển các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, văn hóa - lịch sử theo nguyên tắc đồng quản lý, đảm bảo phát triển bền vững.
Trong đó, hoạt động quản lý khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, trên cơ sở bảo đảm đời sống của ngư dân và hiệu quả kinh tế của địa phương.
Đáng chú ý, từ năm 2011, UBND tỉnh quyết định giao hơn 19km2 phần đảo và diện tích mặt nước biển để cộng đồng thôn Bãi Hương tự đứng ra quản lý và khai thác. Từ đây, Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương ra đời với quy chế hoạt động cụ thể, cộng đồng nhân dân thôn là chủ thể quản lý, khai thác.
Ông Trần Hoàn (người dân thôn Bãi Hương) cho biết: “Lợi ích trước mắt là bảo vệ được rạn san hô. Gìn giữ san hô nguyên vẹn thì mới có khách du lịch đến tắm, tham quan. Thứ hai là bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Rồi bà con được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề. Mặc dù số người dân tham gia đánh bắt hải sản ít nhưng hiệu quả kinh tế rất cao, đời sống được nâng lên”.
Một hương ước cộng đồng về quản lý, khai thác bền vững rạn san hô được xây dựng, ban hành và thực thi gắn với Quy ước xây dựng thôn văn hóa. Đặc biệt còn có một loại hình du lịch cộng đồng được thiết kế và vận hành tại vùng rạn san hô thôn Bãi Hương, tham gia phục hồi sinh thái 2.000m2 rạn san hô với khoảng 2.400 tập đoàn san hô được trồng.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Sự chất phác, thuần hậu của người dân trên đảo là yếu tố mà ít nơi nào có được. Chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế phát triển nhanh, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Sự phát triển đó dựa trên nền tảng gìn giữ các giá trị sinh thái, nhân văn, như thế mới đảm bảo tính lâu dài, bền vững”.
Hiện nay, mô hình cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo tồn biển ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ và thôn Bãi Hương là một trong những điểm sáng của sự đồng thuận, là cộng đồng đầu tiên trên cả nước được giao quyền quản lý mặt nước biển. Qua đó, cộng đồng cư dân đã chung tay giữ gìn làng nghề truyền thống, bảo tồn ngư trường đánh bắt cùng các giá trị đa dạng sinh học, góp phần xây dựng thôn Bãi Hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.