Cùng với việc kiện toàn, sắp xếp lại các chủ rừng, ngành lâm nghiệp tiếp tục thành lập lực lượng bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách theo hướng “không đông nhưng đủ mạnh”.
Cơ động và trách nhiệm
Chiều 8.6, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh ra mắt lực lượng BVR chuyên trách và phát động trồng cây lấy gỗ làm nhà. Sau nhiều lần thử nghiệm các mô hình và đúc kết thực tiễn, chủ rừng này đã lựa chọn hình thức ký hợp đồng với nhân viên BVR chuyên trách.
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành lập 2 đội cơ động và 16 trạm BVR. Các trạm BVR làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra rừng tối thiểu 15 ngày/tháng và mỗi trạm được giao quản lý theo từng khu vực cụ thể. Trước đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la, 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Giang, Đông Giang cũng xây dựng lực lượng BVR chuyên trách, thay vì giao khoán BVR cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư như trước đây.
Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho rằng, việc ra mắt lực lượng BVR chuyên trách có ý nghĩa với đơn vị trong xây dựng, củng cố lực lượng giữ rừng chuyên nghiệp hơn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng đánh giá, kết quả bước đầu cho thấy, mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý, bảo vệ thông qua hình thức hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách đã phát huy hiệu quả, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm. Tình trạng khai thác lâm, khoáng sản trái phép giảm, các “điểm nóng” phá rừng được hạn chế.
Trồng cây lấy gỗ làm nhà, mở tour du lịch để giữ rừng tốt hơn
Tại buổi lễ ra mắt lực lượng BVR chuyên trách tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và phát động trồng cây lấy gỗ làm nhà vào chiều 8.6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao những thành quả giữ rừng của khu bảo tồn và cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch, bởi rừng nguyên sinh đẹp và lòng hồ thủy điện giàu tiềm năng. Chính quyền tỉnh có ý tưởng mở tour du lịch từ khe Ru đến thác 3 tầng, hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn. Lãnh đạo chính quyền tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương và chủ rừng bằng nhiều cách làm khác nhau hỗ trợ thuận lợi nhất cho người dân trồng cây lấy gỗ làm nhà, bởi đây là nhu cầu gắn với đời sống văn hóa của đồng bào. Trồng cây với nhiều mục đích, ngoài lấy gỗ làm nhà, còn có thể đáp ứng làm đồ gỗ gia dụng. Điều quan trọng, khi đồng bào tự khai thác gỗ rừng trồng làm nhà sẽ giảm áp lực lớn vào rừng tự nhiên. Vì vậy Sở NN&PTNT cần phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thiện đề án hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đúng tiến độ.
Lực lượng BVR chuyên trách được tổ chức theo các hình thức khác nhau như tổ cơ động, trạm BVR, tổ tuần tra BVR, phân công đứng điểm phụ trách từng xã. Trước đây, các đơn vị không bố trí lực lượng BVR chuyên trách của cộng đồng dân cư thôn làm việc tại cộng đồng của mình vì ngại va chạm, nể nang.
Sở NN&PTNT thông tin, đến nay có 11 đơn vị được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án BVR chuyên trách. Trong đó, 9 hạt kiểm lâm miền núi đã phê duyệt phương án BVR chuyên trách. Sau khi cơ cấu lực lượng BVR chuyên trách, thời gian qua, các ban quản lý rừng của tỉnh đã tuyển chọn được 628 nhân viên BVR chuyên trách. Đội ngũ này là người dân địa phương thuộc vùng đệm các khu bảo tồn và rừng đặc dụng. Riêng tại Nam Giang và Phước Sơn đã bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 324 người.
Kinh phí chi trả cho lực lượng BVR chuyên trách được lấy từ nguồn cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Các địa phương miền núi và chủ rừng mạnh dạn thay đổi mô hình giữ rừng từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 46, ngày 6.12.2018 về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Cần tháo gỡ bất cập
Theo Sở NN&PTNT, đến tháng 3.2020, 9 đơn vị, ban quản lý rừng được phê duyệt phương án BVR chuyên trách với tổng diện tích 347.347ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ mô hình giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR thông qua hình thức hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách là 222.796ha.
Với diện tích có đơn giá thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh là 400 nghìn đồng/ha/năm sẽ có hỗ trợ của ngân sách tỉnh; diện tích giao khoán cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư là 123.551ha. Bình quân diện tích BVR của lực lượng BVR chuyên trách là 400ha/người/năm, tăng 384ha/người/năm so với mô hình giao khoán trước khi áp dụng theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh.
Năm 2019, khi xây dựng phương án triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, đơn giá dịch vụ môi trường rừng ở một số lưu vực đạt 400 nghìn đồng/ha (không thuộc phạm vi áp dụng Nghị quyết số 46). Tuy nhiên, năm 2020, đơn giá chi trả dịch vụ môi trường ở những lưu vực giảm mạnh (thấp hơn 400 nghìn đồng/ha) so với năm 2019 nhưng chưa điều chỉnh bổ sung diện tích để áp dụng theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh nên các chủ rừng gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện các hoạt động quản lý, BVR và chi trả cho lực lượng BVR chuyên trách.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, một số ban quản lý rừng không có nguồn chi trả chế độ tiền lương cho lực lượng BVR chuyên trách và hợp đồng với cộng đồng dân cư thôn nhưng chậm được phân bổ. Có nơi chưa thực hiện thanh toán kinh phí giao khoán cho hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư sau khi đã thanh lý hợp đồng, đơn cử như cộng đồng thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My chưa được thanh toán quý IV.2019.
Về khó khăn khi triển khai Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh, theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kinh phí để triển khai Nghị quyết số 46 hiện chưa bố trí cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Các đơn vị hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách từ nguồn hiện có của các chương trình, dự án nên chưa đảm bảo số lượng. Cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên do UBND xã ủy quyền cho các ban quản lý rừng quản lý manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong việc tổ chức BVR.