Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (DBĐV), giai đoạn 1996 - 2016, Quảng Nam đã xây dựng lực lượng DBĐV ngày càng hùng hậu, nâng cao số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Triển khai sâu rộng
TP.Tam Kỳ là một trong những địa phương sớm tổng kết 20 năm thực hiện pháp lệnh về lực lượng DBĐV giai đoạn 1996 - 2016, với nhiều kết quả ấn tượng. Tập trung cho công tác này, thời gian qua lực lượng DBĐV luôn được quản lý chặt chẽ, 100% quân nhân xuất ngũ được tổ chức đăng ký vào ngạch dự bị theo đúng quy định. Nhiều sĩ quan dự bị được đưa đi đào tạo, sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị đạt hơn 95% so với chỉ tiêu quy định với tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự cao. Tại Phú Ninh, Đại Lộc, Duy Xuyên… công tác xây dựng lực lượng DBĐV cũng được chú trọng quán triệt theo tinh thần Pháp lệnh về BBĐV cho đông đảo đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ các cấp, ngành và đội ngũ báo cáo viên giáo dục pháp luật. Từ cơ sở, ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được kiện toàn đủ về chất lượng, số lượng, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền Pháp lệnh DBĐV. Nội dung này cũng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin, góp phần đưa các quy định, nội dung của pháp lệnh đến với đông đảo quần chúng.
Tổ chức huấn luyện hàng năm cho lực lượng DBĐV được các địa phương trong tỉnh thực hiện chặt chẽ, chu đáo trong nhiều năm qua. |
Thượng tá Lê Ngọc Hải - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh - cho biết, qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh DBĐV, Bộ CHQS tỉnh cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức tham mưu tốt đối với công tác động viên quân đội. Giữa đơn vị nhận nguồn và các địa phương giao nguồn đã có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm hiệp đồng cụ thể trong phúc tra, quản lý, biên chế, sắp xếp, tạo nguồn chuyên nghiệp quân sự, tổ chức huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên. “Đối với việc thực hiện nội dung pháp lệnh, cơ quan quân sự các huyện, thị xã, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi và nguồn kinh phí để hỗ trợ, động viên quân nhân dự bị trong các đợt huy động tham gia huấn luyện, diễn tập cùng chính sách hậu phương quân đội. Chính vì vậy, lực lượng DBĐV của tỉnh trong những năm qua được xây dựng hùng hậu, hoạt động ngày càng nền nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có lệnh động viên” - ông Hải cho biết.
Gỡ vướng trong việc thực hiện Pháp lệnh DBĐV Theo Bộ CHQS tỉnh, công tác thực hiện Pháp lệnh DBĐV hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như một số đơn vị có nguồn động viên nhưng trong quá trình tuyển quân lại không giao chỉ tiêu cho địa phương. Hàng năm, trong tuyển quân các địa phương đều có tạo nguồn sĩ quan dự bị cho các đơn vị 100%, song vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm trong việc tạo nguồn, nên khi xuất ngũ về tỷ lệ sĩ quan dự bị còn rất thấp. Việc điều động quân nhân dự bị tham gia huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, diễn tập trong các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn còn gặp nhiều khó khăn. Một số chức danh đào tạo quá ít so với nhu cầu biên chế như nhân viên chuyên môn kỹ thuật và các loại chuyên nghiệp quân sự cần cho quân đội, nên các địa phương gặp khó khăn trong quá trình sắp xếp, biên chế vào các đơn vị DBĐV. Trong thời gian sắp đến, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng các giải pháp để gỡ vướng trong việc thực hiện pháp lệnh, nâng cao hiệu quả xây dựng lực lượng DBĐV, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Chia sẻ về định hướng thực hiện Pháp lệnh DBĐV trong những năm đến, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt, giáo dục Pháp lệnh về lực lượng DBĐV. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn dân và quân nhân dự bị trong thực hiện pháp lệnh, làm cho pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống. “Trong thời gian tới, cấp ủy đảng chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh DBĐV. Công tác đăng ký, quản lý, phúc tra sắp xếp biên chế các đơn vị DBĐV phải được chú trọng để từng bước nâng cao chất lượng đảng, đoàn, tiêu chuẩn chính trị đạo đức trong quân nhân dự bị. Kết hợp giao quân gắn với vùng động viên, phấn đấu trong những năm đến tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự của quân nhân dự bị trong đơn vị DBĐV đạt trên 95%” - ông Đinh Văn Thu nhấn mạnh. |
Theo ghi nhận, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Pháp lệnh DBĐV với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, đội ngũ cán bộ... Theo đó, Pháp lệnh DBĐV đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn địa phương đặt ra và thúc đẩy công tác xây dựng lực lượng DBĐV, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện.
Hiệu quả thiết thực
Công tác tuyên truyền, giáo dục đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Pháp lệnh DBĐV trên địa bàn Quảng Nam suốt nhiều năm qua. Đến nay, việc đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký giải ngạch đối với quân nhân dự bị được các địa phương, đơn vị thực hiện khá tốt. Các địa phương đã phối hợp với các đơn vị nhận nguồn tổ chức sắp xếp, bổ sung quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đạt 96,7%, cơ bản xếp đủ đầu mối tổ chức các đơn vị DBĐV. Từ nguồn ngân sách của trung ương và địa phương, Bộ CHQS tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 trung tâm huấn luyện DBĐV tại xã Phú Thọ (Quế Sơn) và xã Tiên Phong (Tiên Phước) với tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những năm qua, công tác huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên được thực hiện chặt chẽ, chu đáo từ tỉnh đến cơ sở. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao trình độ về mọi mặt cho quân nhân dự bị, tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu và xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các địa phương, đơn vị. Bộ CHQS tỉnh lập kế hoạch, nội dung, chương trình, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, chỉ đạo cho các địa phương phối hợp với các đơn vị nhận nguồn, tổ chức phúc tra, nắm chắc và phân loại đối tượng. Công tác huấn luyện được chú trọng, nhất là huấn luyện cán bộ, huấn luyện chuyên nghiệp quân sự và chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy, qua các đợt huấn luyện đã từng bước nâng cao nhận thức chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí trang bị có trong biên chế, tư tưởng chính trị và sức chiến đấu của các đơn vị DBĐV được nâng lên rõ rệt. Thượng úy Đoàn Văn Tân - Trung đội trưởng Trung đội bộ binh 2, Tiểu đoàn DBĐV 118 huyện Phú Ninh chia sẻ: “Trong mỗi đợt được điều động tham gia huấn luyện, chúng tôi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của lãnh đạo các cấp từ nơi ăn ở, sinh hoạt đến huấn luyện các nội dung theo quy định. Vì vậy, khi nhận được lệnh, mặc dù bộn bề nhiều công việc nhưng các cán bộ chiến sĩ luôn chấp hành, tham gia huấn luyện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công tác huấn luyện cũng giúp chúng tôi nâng cao trình độ nhận thức, khả năng sẵn sàng chiến đấu, là điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
THÀNH CÔNG - TUẤN ANH