Chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản tại Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cung cấp giống thủy sản chất lượng đúng kế hoạch, tạo thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản ở Quảng Nam và các địa phương lân cận.
Doanh nghiệp cam kết
Quảng Nam có hơn 2.000ha ao nuôi tôm nước lợ, cần hơn 3 tỷ con giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất mỗi năm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất, cung ứng giống tôm chất lượng. Phần lớn tôm giống thả nuôi được các nông hộ mua về từ các tỉnh, thành khác, khó kiểm tra, giám sát chất lượng.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, xây dựng được Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam là tiền đề rất quan trọng. Cần thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 3 công ty đầu tư sản xuất tôm giống với diện tích đất được giao hơn 12,9ha là Công ty TNHH MTV Thủy sản Long Thịnh Hưng (Công ty Long Thịnh Hưng), Công ty CP Giống thủy sản Kim Hoàng (Công ty Kim Hoàng) và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ (Công ty Nam Mỹ).
Ông Nguyễn Văn Hớn - Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hoàng cho biết, với 8,5ha đất được giao, công ty đặt mục tiêu sản xuất 3 - 4 tỷ con giống tôm thẻ, tôm sú/năm. Đến nay, công ty đang triển khai xây dựng và hoàn chỉnh các hạng mục của dự án gồm: trại tôm mẹ với các khu bể đẻ, khu chứa nước, khu lưu giữ thức ăn cho tôm mẹ. Khu sản xuất và ươm tôm giống, ấu trùng làm thức ăn cho tôm ấu trùng đang từng bước hoàn thành. Khu nuôi Postlarva, khu ấp Artemia, khu đóng Nauplius, khu nuôi tảo, khu đóng xuất tôm và các hạng mục ao lắng, ao xử lý nước, khu vực lọc nước... đang được hoàn thiện.
“Đến tháng 4.2020, sau khi các hạng mục xây dựng dự kiến hoàn thành, chúng tôi sẽ đưa về tôm bố mẹ để sản xuất và kế hoạch cung cấp tôm giống ra thị trường vào đầu tháng 5 đến” - ông Hớn nói.
Ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Dương Hùng (Công ty Dương Hùng) đang liên doanh với Công ty Kim Hoàng kiến nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư khu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi tôm trong Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam với diện tích ao nuôi thực nghiệm là 14.756m2, ao ương tôm giống là 3.967m2.
Theo ông Bùi Văn Chẩm - Giám đốc Công ty Nam Mỹ, công ty đang khẩn trương xây dựng các hạng mục để bắt đầu sản xuất giống vào cuối tháng 4.2020, dự kiến đưa tôm giống đến nông hộ vào đầu tháng 5. Công ty này được UBND tỉnh giao hơn 2,4ha để xây dựng dự án, kế hoạch cung cấp 1 tỷ con tôm giống ra thị trường.
“Chúng tôi cam kết thực hiện đúng tiến độ. Mong UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thăng Bình mau chóng di dời các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát dọc bờ biển, ảnh hưởng rất xấu đến hành lang khu vực sản xuất tôm giống của chúng tôi. Mong các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo UBND xã Bình Nam nhanh chóng chấm dứt việc tập kết rác ở gần khu vực sản xuất giống thủy sản của chúng tôi” - ông Chẩm nói.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam với quy mô đầu tư lớn, không chỉ cung cấp tôm giống đến các nông hộ trên địa bàn tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu nuôi nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Bắc Trung bộ. Vì vậy, các công ty cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các yếu tố hạ tầng để đi vào sản xuất, cung cấp giống theo kế hoạch. Riêng Công ty Long Thịnh Hưng, trong suốt năm 2019 đã không đầu tư xây dựng gì, nên theo quy định phải dừng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu UBND huyện Thăng Bình phối hợp với UBND xã Bình Nam, mời các hộ dân nuôi tôm ảnh hưởng đến hành lang sản xuất tôm giống của Công ty Nam Mỹ, đưa ra thời hạn và yêu cầu họ ngưng sản xuất, trả lại cảnh quan vốn có. Đồng thời chấm dứt ngay việc tập kết rác thải không đúng quy định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, chủ trương của Quảng Nam là phải thay đổi cách nuôi tôm manh mún. Theo đó, kêu gọi doanh nghiệp phối hợp với người dân tích tụ, tập trung ruộng đất, huy động nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư, hoàn thiện các yếu tố hạ tầng. Sau đó, giao diện tích nuôi tôm đến người dân, cùng sản xuất, ăn chia thành quả. Đề xuất đầu tư khu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi tôm của Công ty Dương Hùng là phù hợp với chủ trương của tỉnh vì qua mô hình sẽ tập huấn, trang bị các kiến thức nuôi tôm tiến bộ, giúp nông hộ thay đổi cách đầu tư nuôi tôm được chăng hay chớ. Bởi vậy, trước mắt, Công ty Dương Hùng được phép đầu tư khu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi tôm trong Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam. Tuy nhiên, Công ty Dương Hùng phải cam kết bồi thường các công ty cùng đầu tư trong khu vực và dừng ngay mô hình nếu xảy ra dịch bệnh.
“UBND tỉnh đã cho chủ trương Công ty Dương Hùng đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên phạm vi 70ha ở Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) nên khi đi vào hoạt động, công ty phải chuyển khu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi tôm ở Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam đến đầu tư ở Vũng Lắm cho phù hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.