Xây dựng năng lực chống chịu thiên tai

QUỐC TUẤN 12/09/2018 07:23

Trong 15 tháng (từ 7.2017 đến 9.2018), dự án “Xây dựng năng lực chống chịu với thiên tai ở khu vưc miền Trung Việt Nam” giai đoạn 2 do Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ - Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các tổ chức CRS, HAIV, Plan, SC và nhiều đối tác địa phương triển khai thực hiện đã thực sự lan tỏa đến cộng đồng.

Công tác vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo trong mưa lũ tại TP.Hội An. Ảnh: Q.TUẤN
Công tác vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo trong mưa lũ tại TP.Hội An. Ảnh: Q.TUẤN

Xuất phát từ thực trạng phải hứng chịu thiên tai với tần suất lớn ở khu vực, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã cùng với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp triển khai dự án “Xây dựng năng lực chống chịu thiên tai ở khu vực miền Trung Việt Nam” (gọi tắt là dự án) tại 4 địa phương gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo ông Trần Sĩ Pha - Giám đốc dự án (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam): “Dự án này phù hợp với nhu cầu của từng địa phương vì cách tiếp cận đúng theo chiến lược và hướng dẫn của Chính phủ (Đề án 1002, Thông tư 05). Hơn nữa cách tiếp cận theo hình thức liên minh phối hợp cũng tạo nên những cơ hội để chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện”.

Dù hầu hết hoạt động và mục tiêu của dự án đều mang tính dài hạn nhưng có thể nhận thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức, kiến thức và thái độ, hành vi của cộng đồng trong vùng triển khai dự án. Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhờ cách tiếp cận khác biệt của tổ chức HAIV, người cao tuổi từ chỗ là đối tượng dễ bị tổn thương có nhu cầu hỗ trợ thành người có năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai. Hay như ở Quảng Ngãi, mỗi thôn trong vùng triển khai dự án đều có sơ họa bản đồ rủi ro của thôn và được bọc nilon để treo trong nhà văn hóa thôn nhằm phổ biến rộng rãi đến cộng đồng. Tại Quảng Nam, dự án này được triển khai khá rộng rãi trên địa bàn các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình… và cũng nhận được những dấu hiệu khả quan trong việc nâng cao năng lực chống chịu thiên tai ở cơ sở. Được biết, việc xây dựng khung trường học an toàn từ chỗ được dự án hỗ trợ xây dựng ở 5 huyện, thành phố, chính quyền địa phương đã mở rộng triển khai trên toàn tỉnh và tổ chức diễn tập thực tế ứng phó trang bị kỹ năng cho học sinh tại một số điểm trường. Sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng giúp cho dự án đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như tại huyện Thăng Bình, từ sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền địa phương và người dân đã tổ chức đợt tập huấn kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng phó rủi ro thiên tai hay hội thi văn nghệ với các tác phẩm tuyên truyền nhận thức ứng phó với thiên tai.

Một điểm mới của dự án là việc hướng tới quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực đô thị và bán đô thị trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ở duyên hải miền Trung đang diễn ra nhanh chóng và đây cũng là nơi chịu thiệt hại nặng của thiên tai. Việc lồng ghép dự án giảm rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng là một điểm nhấn quan trọng hướng đến tính bền vững của chương trình ngay cả khi dự án kết thúc. Bà Nguyễn Thị Phúc Hòa - chuyên gia độc lập giám sát dự án, cho biết: “Với những hỗ trợ mang tính bền vững mà dự án mang lại hoạt động cứu hộ, cứu trợ khi thiên tai xảy ra sẽ giảm đi bởi sự chuẩn bị, ứng phó hiệu quả từ cộng đồng đã làm giảm đi đáng kể những thiệt hại”.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng năng lực chống chịu thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO