(QNO) - Sáng nay 9.3, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo "Chia sẻ kết quả chương trình GCRF Cộng đồng xanh" xây dựng năng lực cho tương tác bền vững với hệ sinh thái biển nhằm đảm bảo sức khỏe phúc lợi, lương thực và sinh kế cho cộng đồng ven biển.
Chương trình được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu thách thức toàn cầu về đổi mới sáng tạo của Anh. Các đối tác tham gia thực hiện chương trình gồm: Đại học Tây Philippin, Đại học quốc gia Indonesia, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Exeter - Anh, Trường Đại học Plymouth - Anh và Phòng thí nghiệm biển Plymouth - Anh.
Chương trình Cộng đồng xanh nghiên cứu nhiều vấn đề bao gồm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai, quản trị hiện tại, nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch, sinh kế, sức khỏe, hạnh phúc của cộng đồng ven biển.
Hợp phần Việt Nam thuộc Chương trình nghiên cứu Cộng đồng xanh do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì và có sự hỗ trợ của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Chương trình được triển khai trong 4 năm, từ năm 2018.
Có 8 hợp phần của chương trình được thực hiện tại khu dự trữ sinh quyển Hội An - Cù Lao Chàm như: lợi ích và rủi ro trong cuộc sống người dân ven biển ở cộng đồng ven biển, kịch bản biến đổi tài nguyên biển, thích ứng với tác động biển đối khí hậu và phân vùng không gian biển trong quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An...
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho hay, chương trình này là một trong những dự án mới được UNESCO hỗ trợ, tài trợ và ưu tiên. Nhiệm vụ, dự án của chương trình này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa mang lại rất lớn, góp thêm cơ sở dữ liệu trong quá trình bảo tồn và phát triển khu sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm.
Thông qua hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách dành cho chính quyền địa phương và các bên liên quan tùy theo từng hợp phần để tiếp tục xây dựng năng lực tương tác bền vững với hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm - Hội An.
Cù Lao Chàm - Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất tại Việt Nam được lựa chọn để triển khai chương trình nghiên cứu này cùng với 3 đơn vị khác ở Indonesia, Malaisia và Philipin.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm có diện tích 33.475ha gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.