Nhu cầu của xã hội về các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng ngày càng tăng. Điều này cho thấy cần phải xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Và điều chắc chắn phải thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực nông nghiệp phải thu hút được sự quan tâm và đầu tư của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn với vai trò tích cực và chủ động của người nông dân trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại... Đây là nội dung được lãnh đạo UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tỉnh trao đổi trong buổi tọa đàm chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10).
Đi từ cơ chế
Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... sẽ là phần không thể thiếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Và điều đặc biệt hơn là những cơ chế, chính sách gì để cho những người làm nông nghiệp tiếp cận, đầu tư?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định: “Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có 6 cơ chế liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể kể đến như cơ chế hỗ trợ cụ thể bằng kinh phí, đất đai để thu hút những doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp; cơ chế phát triển, hỗ trợ HTX; cơ chế phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; cơ chế hỗ trợ nông dân phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới người tiêu dùng; cơ chế sắp xếp dân cư, hỗ trợ sắp xếp lại nhà cửa vườn tược, khu sản xuất, khu chăn nuôi và cơ chế hỗ trợ thủy lợi nhỏ cho các hộ, nhóm hộ”...
Theo bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để chuẩn bị cho việc sản xuất hàng hóa lớn, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, vai trò của hội viên nông dân là rất lớn. Nông dân cần có nguồn lực, trước hết là vốn, sức lao động, khoa học kỹ thuật và đất đai để họ mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư trên mảnh đất của mình. Hội Nông dân đã hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân; hỗ trợ kỹ thuật qua các lớp tập huấn và đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp...”.
Hiện nay Quảng Nam đã xây dựng được các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm ưu tiên để phát triển, trên cơ sở đó các doanh nghiệp, HTX và đặc biệt là nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung chuyên canh trên cơ sở ứng dụng một cách tốt nhất, tranh thủ nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Quảng Nam phải phát huy được các thế mạnh, tiềm năng về đất đai, các vùng sinh thái, sản phẩm đặc hữu của địa phương để thu hút được doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước”.
Giúp nông dân làm giàu
Bà Lê Thị Minh Tâm cho rằng, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại không ngoài mục đích tạo ra sản phẩm hàng hóa nhiều hơn, chất lượng hơn, đủ khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích và để cho người làm nông nghiệp cũng như nông dân có cuộc sống tốt hơn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy nhiên, để nông dân làm giàu bền vững phải giải được bài toán “được mùa mất giá, được gía mất mùa”.
Là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm qua, ông Bùi Việt Tín (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, nhờ nhiều cơ chế, chính sách hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ông mong muốn sẽ có nhiều cơ chế phù hợp hơn nữa như việc quy hoạch vùng, nhất là quỹ đất phù hợp hơn nữa sẽ tạo điều kiện cho nhiều nông dân làm giàu.
Đến nay, Hội Nông dân Quảng Nam đã tôn vinh 210 nghìn lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chính lực lượng này đã tạo việc làm tại chỗ cho 6,5 triệu lượt lao động, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt lao động có việc làm thường xuyên, đã giúp đỡ vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất cho 7 triệu lượt hộ nông dân.
Đáng trân trọng hơn là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nền nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn trực tiếp giải quyết lao động thường xuyên cho 1.200 người và hơn 2.700 lao động theo mùa vụ...
“Với sự sáng tạo của nông dân, cộng với các cơ chế sẽ thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam. Hy vọng thời gian không xa, sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam đạt chất lượng cao sẽ giúp nông dân làm giàu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.