LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đang khẳng định vai trò của công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số đối với ngành y tế khi đã phát huy hiệu quả không thể thay thế trong việc dự báo, đánh giá, giám sát, phát hiện và điều trị. Đầu tư CNTT, công nghệ số xây dựng nền y tế thông minh là nhiệm vụ, xu thế tất yếu để y tế Quảng Nam theo kịp cả nước, đáp ứng nhu cầu chính đáng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Nhận diện để thay đổi
Tại Quảng Nam, định hướng phát triển CNTT được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành. Với y tế, bước đi tiên phong đã thực hiện là khởi tạo hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh và đang sử dụng tại cả 241 xã, phường, thị trấn với những hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên bức tranh chung còn ở mức hạn chế, như chưa hình thành chương trình hành động, chưa có khung kiến trúc chính quyền điện tử tại Sở Y tế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong các lĩnh vực quản lý nhân sự, dược, trang thiết bị... Tại các đơn vị y tế dự phòng, mức độ áp dụng CNTT để thu thập, phân tích, theo dõi và cảnh báo dịch bệnh, trong quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường còn ở mức thấp...
Nguyên nhân được chỉ ra với ngành y tế Quảng Nam là chưa có định hướng chiến lược tổng thể về phát triển ứng dụng CNTT, công nghệ số; chưa có kế hoạch phù hợp cho từng năm hay từng giai đoạn. Hầu hết đơn vị triển khai ứng dụng CNTT tùy theo nhu cầu, khả năng; một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong y tế. Với các bệnh viện công lập, nguồn lực đầu tư ứng dụng CNTT còn hạn chế và chủ yếu từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị, chi phí cho CNTT chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Mặt khác, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ cho nhân viên chuyên trách CNTT trong các cơ sở y tế không cao, khó thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu, hoặc khó tuyển dụng vì liên quan đến biên chế, nguồn thu để hợp đồng ngoài chỉ tiêu...
“Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số tiến tới công nghệ thông minh trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả và hội nhập; giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện, suốt đời” là mục tiêu được xác định trên cơ sở định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế. Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh từng bước mang lại lợi ích của người dân là 3 trụ cột chính để xây dựng nền y tế thông minh theo xu hướng công nghệ 4.0.
Để đạt được mục tiêu và dựa trên các trụ cột, đã có rất nhiều giải pháp đặt ra từ cơ chế, chính sách đến nguồn lực. Trong phạm vi diễn đàn này, chúng tôi trao đổi giải pháp công nghệ và nhân lực là hai trong số nhiều giải pháp căn cơ nhất, quyết định hiệu quả ứng dụng công nghệ trong ngành y tế.
Điều kiện cần: Tiếp cận, ứng dụng công nghệ
Nền tảng đầu tiên về công nghệ là hồ sơ sức khỏe cá nhân và thiết lập mã định danh y tế duy nhất, suốt đời cho mỗi người dân. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên phải làm và làm đồng bộ. Bởi, có mã định danh, mỗi khi khám chữa bệnh, thông tin sức khỏe của người dân được cung cấp nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, giúp giảm bớt chi phí. Trong lĩnh vực phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, phần mềm ứng dụng tại các trạm y tế gắn với mô hình bác sĩ gia đình trên nền tảng mã định danh y tế và hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ đem lại sự hài lòng cho người dân và nhân viên y tế trong quá trình sử dụng, giúp đánh giá, tổng hợp, báo cáo, dự báo, định hướng chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Các cơ sở khám chữa bệnh cần nhanh chóng tiếp cận, xúc tiến triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước hình thành bệnh viện thông minh như liên thông, chuyển tải kết quả xét nghiệm, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí, khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa (telemedicine), có thể hội chẩn từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, hội chẩn với nhà khoa học giúp cho thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai, minh bạch.
Về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh, nếu có thể ứng dụng công nghệ điển hình như cỗ máy “IBM Watson” với biệt danh “bác sĩ biết tuốt” lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ này, bác sĩ chỉ cần nhập dữ liệu người bệnh để được phân tích, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ có sẵn và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác. Hay việc thực hiện ca phẫu thuật với sự hỗ trợ của rô bốt với bốn cánh tay, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Rô bốt có thể phẫu thuật ở những vị trí khó, hỗ trợ các bác sĩ tiến hành ca mổ với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn hơn, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Trong quản trị ngành y tế, giải pháp công nghệ đã được Bộ Y tế ban hành chiến lược, khung kiến trúc cho từng tuyến, từng đơn vị. Như ứng dụng CNTT để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4; xây dựng nền quản trị y tế thông minh trong hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh.
Điều kiện đủ: Giải bài toán nhân lực
Công nghệ đã có, mắc xích quan trọng mấu chốt là người sử dụng công nghệ. Bên cạnh nhân viên chuyên trách về CNTT, nhân viên y tế có sẵn là lực lượng mang tính quyết định. Do đó, cần những giải pháp đầy đủ, hợp lý xuất phát từ thực trạng hầu hết nhân viên y tế không được đào tạo về CNTT ngay từ đầu mà họ dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu về chuyên ngành, nâng cao chuyên môn. Giải quyết hài hòa giữa nhân lực vừa có chuyên môn tốt vừa giỏi về CNTT là bài toán khó cần những bước đi cụ thể, chính xác, đúng mức, nhất là với y tế tuyến xã - một trong những kênh tiếp nhận thông tin ban đầu tại cộng đồng.
Xây dựng đội ngũ chuyên trách CNTT đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để đưa ngành y tế Quảng Nam theo kịp bước tiến công nghệ 4.0 thông qua tuyển dụng, đào tạo kèm theo các chế độ, chính sách thích đáng là giải pháp đầu tiên. Tập huấn, đào tạo, chuyển giao ứng dụng CNTT cho nhân viên y tế để trực tiếp vận hành, sử dụng theo vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị là bước đi tiếp theo đòi hỏi sự đầu tư, kiên trì trên quan điểm hài hòa giữa trình độ chuyên môn y tế và trình độ về công nghệ. Bên cạnh đào tạo, tập huấn, công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức về ứng dụng CNTT trong công việc cá nhân, cơ quan, đơn vị cho nhân viên y tế là yêu cầu bắt buộc để đạt được mục tiêu trên.
Giải pháp nhân lực cho từng tuyến có thể đưa ra cụ thể: Tại Văn phòng Sở Y tế, bổ sung nhân lực CNTT đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao là giải pháp mang tính quyết định cho vị trí trung tâm của Sở Y tế Quảng Nam. Hệ y tế dự phòng, nhất là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh phải có bộ phận CNTT đủ mạnh, có chuyên môn về dịch tễ học, thống kê y tế chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, phải có đội ngũ CNTT chuyên trách đáp ứng được yêu cầu; nhân viên y tế từ điều dưỡng, bác sĩ đến lãnh đạo đơn vị được đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị hệ thống cũng như đi sâu về công nghệ trong chuyên môn khám chữa bệnh theo từng chuyên khoa. Ở tuyến y tế cơ sở, trình độ về CNTT của nhân viên y tế cũng sẽ được đưa vào tiêu chuẩn phân công, tuyển dụng, bổ nhiệm bên cạnh việc tập huấn, đào tạo liên tục.
Trong một môi trường mà các tổ chức được định hướng bởi dữ liệu và cách thức làm việc mới thì tương lai của ngành y tế Quảng Nam cũng gắn liền với khả năng kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi cách thức làm việc - thay vì làm việc trên giấy tờ theo phương pháp truyền thống phải chuyển đổi sang làm việc trên dữ liệu số và từng bước hoàn hiện việc kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu số.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi. Đầu tư CNTT trong y tế, cho các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh là nhu cầu, là nhiệm vụ, là xu thế tất yếu. Lựa chọn tốc độ, mức độ, mục tiêu cụ thể đến đâu để tập trung đầu tư là câu hỏi cần bàn, cần thống nhất để y tế Quảng Nam theo kịp cả nước, đáp ứng nhu cầu chính đáng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chính vì vậy, Quảng Nam cần có đề án phát triển ngành y tế trong những năm tới một cách cụ thể và theo đó đầu tư nguồn lực hợp lý để thực hiện.