Lao động - Việc làm

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng , Quảng Nam đẩy mạnh đào tạo nghề

DIỄM LỆ 11/07/2024 07:42

Các địa phương đang nỗ lực triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.

kyket.jpg
Địa phương và doanh nghiệp ký kết hợp tác trong tuyển sinh, đào tạo lao động. Ảnh: D.L

Học nghề để lập nghiệp

Với chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều thanh niên đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm sau xuất ngũ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 650 thanh niên đăng ký tham gia học nghề, đã giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề cho 117 thanh niên với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Đến từ xã Tiên Cảnh (Tiên Phước), anh Phạm Văn Hùng sau khi xuất ngũ, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã được giới thiệu học nghề, học tiếng Nhật để xuất cảnh làm việc ở Nhật Bản vào cuối năm 2024 này.

Anh Hùng nói: “Sau khi xuất cảnh, tôi muốn tìm một hướng đi mới cho bản thân. Khi được tư vấn chương trình thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, tôi đã đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. May mắn là tôi đã được đào tạo trong quân ngũ, được hỗ trợ đào tạo thêm về kỹ năng nghề nên đã vượt qua vòng phỏng vấn và sẽ xuất cảnh vào cuối năm nay”.

Những chỉ tiêu chủ yếu của GDNN năm 2024 là tuyển sinh đạt 24.000 người (trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng 4.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 20.000 người), qua đó góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh năm 2024 đạt 73% (trong đó, tỷ lệ LĐ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 10.311 người học nghề (đạt 43% kế hoạch năm 2024).

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh với các tiểu dự án, dự án về GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được các địa phương đẩy mạnh.

Qua các phiên giao dịch việc làm ở cơ sở, hoạt động tư vấn trực tiếp tuyển sinh đào tạo nghề cho thanh niên, phụ nữ, lao động (LĐ) nông thôn, hàng nghìn LĐ của tỉnh đã tiếp cận với các chính sách.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, của toàn xã hội về vị trí, vai trò của GDNN và các chính sách, pháp luật về GDNN.

laodonlao2.jpg
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH động viên lao động đi Lào làm việc sau khi được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng THACO. Ảnh: D.L

Các cơ sở GDNN công lập được tăng cường hỗ trợ đầu tư để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển chương trình đào tạo.

Các cơ sở GDNN đã cố gắng khắc phục những khó khăn, linh động trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo các trình độ GDNN và đào tạo dưới 3 tháng. Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, năm 2024 công tác này đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giúp nhiều LĐ tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.

Khắc phục hạn chế

Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện công tác GDNN trên địa bàn tỉnh. Đó là việc đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số LĐ được đào tạo.

Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Đội ngũ nhà giáo GDNN còn thiếu và yếu, tỷ lệ đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn thấp; chương trình, giáo trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở GDNN hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế (tần suất sử dụng thiếu ổn định, thiếu tính đồng bộ).

Cô
Công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ được đẩy mảnh theo hướng gắn kết đào tạo và giải quyết việc làm. Ảnh: D.L

Ngành nghề đào tạo ở các cơ sở GDNN chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa phải là thế mạnh đào tạo ở mỗi cơ sở, một số nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường LĐ.

Công tác kiểm định chất lượng đối với nhà trường và các chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm chưa được cơ sở GDNN quan tâm thực hiện tốt. Việc giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án về GDNN thuộc các chương trình MTQG chưa kịp thời, tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Ông Nguyễn Quí Quý thông tin, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện để đạt được các chỉ tiêu GDNN trong năm. Thời điểm này, các cơ sở GDNN đang đẩy mạnh tuyển sinh về cơ sở theo phương châm đẩy mạnh quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng LĐ của doanh nghiệp.

Công tác truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả của truyền thông GDNN đang được thực hiện.

Tỉnh tiếp tục đầu tư các cơ sở GDNN trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, khuyến khích phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập, nhất là đối với các ngành nghề trong quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Tích cực huy động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia GDNN, trong đó chú trọng phát triển loại hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp và đào tạo nghề lưu động nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với các đối tượng người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS học lên trình độ trung cấp, cao đẳng (chương trình 9+), thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, LĐ nông thôn, LĐ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số luôn được chú trọng” - ông Quý nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng , Quảng Nam đẩy mạnh đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO