UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương di dời Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) lên thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang). Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau từ các cơ quan chức năng, tuy nhiên để nhà máy này tiếp tục hoạt động ở địa điểm mới ngoài tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường còn phải tạo được sự đồng thuận từ phía người dân.
Chủ trương di dời Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) đã có cách đây 4 năm, sau khi người dân liên tục phản đối trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của nhà máy này. Thế nhưng, việc doanh nghiệp “ra đi” không thể dễ dàng bởi sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh; còn chính quyền cũng không thể dùng mệnh lệnh “cứng” để giải quyết vì sẽ vướng đến nhiều yếu tố liên quan đến tính pháp lý, cam kết thu hút đầu tư trước đây của chính quyền địa phương.
Người dân dựng lều phản đối trước Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp gây ô nhiễm hồi cuối năm 2014. Ảnh: T.T |
Cảnh báo
Trước áp lực đưa nhà máy ra khỏi khu dân cư đông đúc, ngày 23.9.2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký Thông báo số 420 chấp nhận cho phép Công ty TNHH Thép Việt - Pháp lập dự án xây dựng nhà máy luyện cán thép trên diện tích rộng hơn 17ha với vốn đầu từ gần 1.000 tỷ đồng tại thôn Hoa (thuộc thị trấn Thạnh Mỹ). Văn bản này cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tổ chức công bố địa điểm theo quy định để các tổ chức, cá nhân liên quan biết, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện. Chủ đầu tư phải lập hồ sơ quy hoạch chi tiết (1/500) dự án theo hệ tọa độ, cao độ báo cáo UBND huyện Nam Giang thông qua trước khi gửi Sở Xây dựng chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai lập các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, UBND tỉnh chỉ mới đồng ý về mặt chủ trương cho phép chủ đầu tư di dời nhà máy thép lên thôn Hoa. Do đó, các ngành liên quan đang góp ý phản biện, làm các thủ tục, hồ sơ pháp lý về thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật hiện hành. Quan điểm của chính quyền tỉnh là sẽ từ chối dự án ngay nếu không đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường và không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân - nơi dự án triển khai. Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT lo ngại, nếu dự án nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp tại thôn Hoa triển khai sẽ gây tác động xấu môi trường cho người dân địa phương và vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn nên đơn vị không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy này. Bởi các lý do khu vực đầu nguồn của các dòng sông Bung, sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ gánh chịu, phạm vi cột khói của nhà máy sẽ ô nhiễm lan rộng. Sở KH-ĐT cũng chính thức có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, đánh giá lại tác động môi trường cũng như lợi ích kinh tế mà nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp mang lại cho địa phương và người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Cần lấy ý kiến rộng rãi
Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp nếu đầu tư tại huyện Nam Giang - địa bàn miền núi khó khăn thì sẽ được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu. Trong khi đó, đề cập một văn bản kiến nghị bồi thường và hỗ trợ kinh phí di dời của doanh nghiệp, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, địa phương rất khó xem xét giải quyết vì nó không nằm trong hạng mục quy định nào của nhà nước. Chính quyền cũng chưa biết bao giờ thì doanh nghiệp di dời. |
Nhà máy thép đặt tại thôn Hoa không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân Quảng Nam mà cả phía TP.Đà Nẵng. Về đánh giá tác động môi trường của dự án, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TM-MT cho biết: “Hiện sở đang giao Chi cục Bảo vệ môi trường tham mưu và “gác cổng”. Nếu nhà máy đến vị trí mới đương nhiên sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường. Nếu đầu tư mới “nói không” thì rất dễ, đằng này mình đang “sửa sai”. Trách nhiệm của đơn vị bây giờ là ràng buộc doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường”. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, hiện nay nhân dân của Đà Nẵng và Quảng Nam đều lo ngại về dự án đặt ở khu vực đầu nguồn sông Vu Gia.
Quan điểm của tỉnh là nếu dự án này triển khai tại thôn Hoa, chính quyền cam kết sẽ kiểm soát nguồn nước thải ra. “Nếu người dân, chính quyền huyện Nam Giang có ý kiến không đồng ý với dự án này, chúng tôi sẽ có giải pháp mới. Vị trí xây dựng nhà máy mới đang lấy ý kiến rộng rãi. Nếu người dân không đồng thuận sẽ đóng cửa nhà máy. Tỉnh nhất quán quan điểm sẽ không đánh đổi tất cả khi thu hút đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh. Về việc chọn thôn Hoa làm địa điểm để xây dựng nhà máy, theo lãnh đạo UBND tỉnh, sau khi chủ đầu tư thỏa thuận với chính quyền huyện Nam Giang, tỉnh xét thấy phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp tại địa phương nên ủng hộ bởi tại đây còn có Nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ. Trong trường hợp đánh giá tác động môi trường dự án tại địa điểm này không đạt các yêu cầu, Sở TN-MT sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
TRẦN HỮU