Trải qua 90 năm, Đảng bộ huyện Duy Xuyên không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
“Chiếc nôi” của Đảng bộ huyện
Ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập và mở rộng tổ chức đến các phủ, huyện. Đồng chí Phạm Thâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về Duy Xuyên bắt liên lạc với các đồng chí Nguyễn Thụy ở Tân Mỹ Đông (khối phố Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước), Hồ Duy Từ ở Mã Châu (khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước), Nguyễn Viết Phu ở Trà Kiệu (xã Duy Sơn), Trần Yến ở Ngũ Thôn và Phạm Độ ở Đông Yên (xã Duy Trinh) là những nòng cốt trong các nhóm đọc sách báo để xây dựng lực lượng, tuyên truyền cách mạng vô sản và chuẩn bị điều kiện để phát triển đảng. Đồng chí Phạm Thâm nhận thấy Duy Xuyên đã hội đủ điều kiện chín muồi để phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng.
Đêm 30.4.1930, trên một chiếc thuyền bơi dọc sông Bà Rén thuộc làng Tân Mỹ Đông (nay thuộc khối phố Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước) đã diễn ra lễ kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Tân Mỹ Đông - tiền thân của Đảng bộ huyện Duy Xuyên ngày nay.
Đồng chí Trần Đệ Quả - cán bộ tổ chức của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tuyên bố lý do và thông qua quyết định kết nạp các đồng chí Lê Tuất, Nguyễn Thụy, Nguyễn Hoàng, Trần Cúc, Nguyễn Hứa vào Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời thông qua quyết định thành lập Chi bộ Tân Mỹ Đông do đồng chí Lê Tuất làm Bí thư. Sau một thời gian hoạt động, chi bộ kết nạp thêm 3 đảng viên mới là Nguyễn Lương, Nguyễn Phồn, Nguyễn Kim.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và sự ra đời của Chi bộ Tân Mỹ Đông đã thúc đẩy, cổ vũ các chi bộ đảng trên địa bàn huyện Duy Xuyên lần lượt ra đời.
Chi bộ Mã Châu (thị trấn Nam Phước) được thành lập với 8 đảng viên gồm Hồ Duy Từ, Trần Hữu An, Trương Di, Trương Vọng, Trịnh Hưng, Phan Chuyển, Trần Hiến, Trương Nhiết do đồng chí Hồ Duy Từ làm Bí thư.
Chi bộ Trà Kiệu (xã Duy Sơn) có 7 đảng viên gồm Nguyễn Viết Phu, Nguyễn Thành Hãn, Nguyễn Liệu, Nguyễn Quang Tất, Nguyễn Thông, Lưu Chí, Nguyễn Phước Tuân do đồng chí Nguyễn Viết Phu làm Bí thư.
Chi bộ Ngũ Thôn (xã Duy Trinh) có 4 đảng viên Trần Yến, Trương Thắng, Phan Đán, Nguyễn Nhi do đồng chí Trần Yến làm Bí thư.
Chi bộ Đông Yên (xã Duy Trinh) có các đồng chí Phạm Độ, Võ Quang Thiều do đồng chí Phạm Độ làm Bí thư. Như vậy, chỉ sau 3 tháng kể từ khi Chi bộ Tân Mỹ Đông ra đời, đến cuối tháng 7.1930 phủ Duy Xuyên đã có 5 chi bộ với 29 đảng viên.
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Duy Xuyên gồm 3 đồng chí Lê Tuất, Hồ Duy Từ, Nguyễn Viết Phu; đồng chí Lê Tuất làm Bí thư Phủ ủy. Đảng bộ Duy Xuyên được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp nhân dân. Từ đây, qua từng chặng đường cách mạng, Đảng bộ Duy Xuyên đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi thác ghềnh hiểm trở, vững bước tiến lên theo con đường của Đảng vạch ra.
Chăm lo Phát triển
Từ chỗ chỉ có một chi bộ với 5 đảng viên, trải qua 20 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện Duy Xuyên có tổng cộng 4.154 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 65 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy và 171 chi bộ dưới cơ sở (trong đó có 78 chi bộ thôn, khối phố). Đó là những hạt nhân lãnh đạo nhân dân địa phương tích cực chung tay góp sức xây dựng quê hương trên con đường đổi mới và hội nhập.
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, những năm qua, nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất nên các mặt xây dựng Đảng có bước chuyển biến mạnh mẽ. Huyện ủy Duy Xuyên luôn kịp thời mở các lớp quán triệt chỉ thị, nghị quyết đưa chủ trương của Đảng đến với đảng viên nghiên cứu học tập và triển khai vào đời sống. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Việc xây dựng chương trình hành động đảm bảo sát đúng tình hình thực tế ở địa phương, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm qua Huyện ủy Duy Xuyên triển khai nghiêm túc các đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao nhận thức của mỗi đảng viên, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái đạo đức chính trị, tư tưởng lối sống. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, thời gian qua Duy Xuyên luôn chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Riêng 5 năm gần đây, địa phương đã cử 154 lượt cán bộ đi học lý luận chính trị, 490 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, gắn với thực hiện luân chuyển để rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và mạnh dạn bố trí đội ngũ cán bộ trẻ.
“Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng được các cấp ủy tăng cường. Từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ huyện đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát hơn 1.000 lượt tổ chức đảng, 466 đảng viên. Qua đó, kịp thời khắc phục, xử lý những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế và tình trạng vi phạm kỷ luật nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị cũng như nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Qua kết quả bình xét hàng năm, toàn huyện có 84,6% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ” - ông Mạnh nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo và điều hành hệ thống chính trị cơ sở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm cho từng cán bộ công chức trong việc lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
“Ngoài những phần việc trên, vấn đề đáng lưu tâm nhất hiện nay là phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, chú trọng khâu đào tạo, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, có tinh thần tận tâm phục vụ nhân dân và dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Từ đó, góp phần tạo dựng niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng...” - ông Mạnh nói.