Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Cần cơ chế hỗ trợ sát thực tế

NGUYỄN SỰ 18/03/2022 06:56

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách sát với thực tế để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hỗ trợ xây dựng giao thông nội đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh chiếm 50% kinh phí. Ảnh: VĂN SỰ
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hỗ trợ xây dựng giao thông nội đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh chiếm 50% kinh phí. Ảnh: VĂN SỰ

Nguồn lực đầu tư lớn

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết, Quảng Nam có 194 xã thực hiện mô hình NTM (không tính 5 xã của Điện Bàn gồm Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Phương, Điện Minh lên phường và xã Bình Minh của Thăng Bình xây dựng đô thị nên không xây dựng NTM).

Tính đến cuối năm 2021, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,43 tiêu chí/xã; có 118 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 60,8%; có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 204 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và thôn NTM...

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh và một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù rất “nóng ruột” nhưng Quảng Nam nên chờ trung ương ban hành cơ chế chính sách, nguồn lực từ ngân sách trung ương và bộ tiêu chí NTM trong chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025; trên cơ sở đó các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng cụ thể đề án. Trong trường hợp trung ương vẫn chưa có quy định, hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 37.

Ông Ngô Tấn cho rằng, đạt được kết quả trên là nhờ các ngành, các cấp đã nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cũng như nhiều ngành nghề nông thôn.

Theo ông Tấn, thực hiện Nghị quyết số 37 (ngày 8.12.2016) của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam đầu tư gần 67.795 tỷ đồng cho chương trình NTM.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 9.290 tỷ đồng, vốn tín dụng 56.961 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã xấp xỉ 605 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp quy ra trị giá 938,6 tỷ đồng. Riêng đối với ngân sách tỉnh, từ năm 2016 - 2020 bố trí 1.547 tỷ đồng, tăng 1.247 tỷ đồng so với giai đoạn 2011 - 2015.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh ban hành các nội dung hỗ trợ phù hợp với tình hình triển khai Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Đáng chú ý, nghị quyết tăng phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (tỷ lệ hỗ trợ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh 90%, tăng 10% so với giai đoạn 2011 - 2015), từ đó giảm bớt nguồn kinh phí đối ứng của các địa phương, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản và giảm tỷ lệ đóng góp của người dân.

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, những năm đến cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: VĂN SỰ
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, những năm đến cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: VĂN SỰ

Nghị quyết số 37 quy định cụ thể tỷ lệ đối ứng tối thiểu đối với ngân sách cấp huyện. Khi có tỷ lệ này, các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cân đối nguồn lực để đề xuất danh mục công trình cho phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, hạn chế được việc đề xuất quá nhiều danh mục công trình, vượt khả năng cân đối của ngân sách các cấp, chưa đúng theo tinh thần của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, Nghị quyết số 37 còn có cơ chế hỗ trợ xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, nhờ vậy đã có thêm nguồn lực ngân sách tỉnh để triển khai hiệu quả mô hình này, góp phần thực hiện chương trình NTM một cách bền vững. Theo dự kiến, từ năm 2016 - 2020 bố trí hỗ trợ cho ít nhất 133 thôn xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu với tổng kinh phí 66,5 tỷ đồng nhưng đến cuối giai đoạn đã hỗ trợ được 341 thôn với nguồn vốn 170,5 tỷ đồng...

Chưa hợp lý

Mặc dù nguồn lực đầu tư từ ngân sách khá lớn, song mới đây, tại cuộc họp liên quan đến chương trình NTM do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì, ông Nguyễn Anh Tài - Phó Trưởng phòng Kế hoạch & nghiệp vụ thuộc Văn phòng điều phối NTM tỉnh nêu ra nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam đầu tư nguồn lực khá lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ
Thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam đầu tư nguồn lực khá lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ

Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ hỗ trợ xây dựng giao thông nội đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh còn thấp (50%); tỷ lệ hỗ trợ tiêu chí NTM cấp huyện từ ngân sách tỉnh chỉ ở mức 60%; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn cũng chỉ 60%; mức đầu tư đường giao thông ở miền núi cao nên suất đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, do phần nền đường cần đầu tư lớn dẫn đến nợ ở các xã, huyện miền núi còn cao.

“Hiện nay, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, sỏi, đất san lấp tăng cao do các địa phương không được khai thác tại chỗ, phải mua ở những nơi khác nhưng suất đầu tư quy định tại Quyết định số 1198 (ngày 11.4.2017) của UBND tỉnh chưa được điều chỉnh kịp thời nên khó khăn cho nhiều địa phương.

Phần tăng cao này cấp xã, người dân hưởng lợi phải chịu đối ứng nên dễ phát sinh nợ cấp xã, nhất là định mức cho đường giao thông nội đồng còn thấp nhưng khối lượng công trình này còn lại trên địa bàn tỉnh rất lớn” - ông Tài nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đoàn công tác của tỉnh vừa kiểm tra mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Duy Trung (Duy Xuyên). Ảnh: VĂN SỰ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đoàn công tác của tỉnh vừa kiểm tra mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Duy Trung (Duy Xuyên). Ảnh: VĂN SỰ

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tài, một số công trình rất khó huy động nhân dân đóng góp như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, hệ thống điện, chợ..., vì những công trình này nhà nước phải đầu tư 100%. Tuy nhiên, trung ương quy định cần có đối ứng nên phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đảm bảo theo quy định.

Vấn đề đáng lưu tâm nữa là, nhiều huyện, xã chủ yếu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, kể cả những công trình chưa thực sự bức thiết đối với người dân. Trong khi đó, các nội dung về phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các giải pháp tăng thu nhập của người dân, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức...

Cơ chế hỗ trợ mới phải sát thực tế

Ông Ngô Tấn cho biết, đến nay cơ chế chính sách, nguồn lực từ ngân sách trung ương và bộ tiêu chí NTM trong chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 chưa được trung ương ban hành.

Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh đã hết hiệu lực. Do đó, việc triển khai chương trình NTM gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bộ tiêu chí mới tăng thêm nhưng chưa có nguồn lực nên khả năng thực hiện mục tiêu năm 2022 đã đề ra sẽ khó hơn.

Văn phòng điều phối NTM tỉnh đang tập trung xây dựng dự thảo đề án về cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình NTM tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành, thay thế Nghị quyết số 37 đã hết hiệu lực.

Theo dự thảo đề án mới, ngoài nguồn ngân sách trung ương (đến nay vẫn chưa bố trí), dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách tỉnh sẽ bố trí ít nhất 1.346 tỷ đồng để thực hiện chương trình NTM. Trong đó, vốn đầu tư khoảng 650 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp khoảng 696 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua tỷ lệ hỗ trợ vốn xây dựng giao thông nội đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh còn thấp. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua tỷ lệ hỗ trợ vốn xây dựng giao thông nội đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh còn thấp. Ảnh: VĂN SỰ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, để thực hiện chương trình NTM thời gian tới mang lại thành công lớn, cơ quan tham mưu xây dựng đề án hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bám sát tình hình thực tế.

Yêu cầu của đề án là phải bám vào phạm vi đối tượng, danh mục và các nội dung thành phần của chương trình. Tỷ lệ hỗ trợ phải quy định rõ từng danh mục, cái nào hỗ trợ 100%, cái nào tỷ lệ phần trăm tương ứng. Ngoài nguồn vốn của trung ương, phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh phải căn cứ vào tình hình cụ thể để có tỷ lệ hợp lý giữa vùng núi với khu vực đồng bằng, giữa đầu tư hạ tầng với hỗ trợ phát triển sản xuất...

“Văn phòng điều phối NTM tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh dự thảo đề án hỗ trợ thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 một cách cụ thể, bài bản, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và sớm trình UBND tỉnh.

Nếu dự thảo đề án có tính khả thi cao, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét ban hành. Còn nếu chưa khả thi, UBND tỉnh sẽ kiến nghị HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 37 nhằm sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương” - ông Tuấn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Cần cơ chế hỗ trợ sát thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO