Xây dựng nông thôn mới: Giải ngân thấp, nợ đọng nhiều

TỨ ĐIỀN 15/12/2023 13:45

Do yêu cầu của bộ tiêu chí mới cao hơn trước nên hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng loạt xã không duy trì chuẩn nông thôn mới theo quy định. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư cho chương trình năm 2023 đạt thấp. Đáng chú ý, nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều.

Khi áp dụng bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, nhiều xã thuộc khu vực miền núi cao không duy trì chuẩn nông thôn mới (ảnh minh họa). Ảnh: T.Đ
Khi áp dụng bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, nhiều xã thuộc khu vực miền núi cao không duy trì chuẩn nông thôn mới (ảnh minh họa). Ảnh: T.Đ

Nhiều xã không giữ chuẩn

Quảng Nam có tổng cộng 193 xã thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM). Xét theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, tính đến thời điểm này, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của một xã trên toàn tỉnh là 15,01 tiêu chí. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 123/193 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 63,73% và phấn đấu đến cuối năm 2023 có 130/193 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 67,3%.

Đối với xã NTM nâng cao, tính đến ngày 8/12/2023, Quảng Nam có 15 xã đạt chuẩn và dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã NTM nâng cao lên 20 xã. Còn về mô hình xã NTM kiểu mẫu, ngoài xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đã đạt chuẩn năm 2020 thì khả năng cuối năm 2023 sẽ có thêm xã Điện Quang (Điện Bàn) được công nhận đạt chuẩn.

Vấn đề đáng quan tâm là sau khi áp dụng bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025, hàng loạt xã NTM trên địa bàn Quảng Nam không duy trì chuẩn. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh thông tin, trong tổng số 117 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước, có đến 89 xã chưa đảm bảo duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí mới.

Giải ngân thấp, nợ đọng nhiều

Mới đây, tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, năm 2023 tổng nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh đầu tư cho chương trình NTM gần 908,4 tỷ đồng; trong đó vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 hơn 308,6 tỷ đồng và vốn bố trí cho kế hoạch năm 2023 gần 600 tỷ đồng.

Tính đến đầu tháng 11/2023, tổng nguồn vốn kế hoạch thực hiện năm 2023 (bao gồm vốn năm 2022 chuyển sang) đã giải ngân được hơn 428,3 tỷ đồng trong tổng số gần 908,4 tỷ đồng, đạt 47%.

Trong đó, vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 đã giải ngân hơn 209,8 tỷ đồng trong tổng số hơn 308,6 tỷ đồng, đạt 68%. Còn vốn năm 2023 đã giải ngân hơn 219,6 tỷ đồng trong tổng số hơn 585,3 tỷ đồng vốn đã phân bổ, đạt 36,6%.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước sự đốc thúc liên tục của UBND tỉnh và một số ngành liên quan, các địa phương cam kết đến cuối năm nay sẽ giải ngân ít nhất 95% nguồn vốn được giao năm 2023.

Trong khi đó, hiện nay tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa giải quyết rốt ráo.

Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm đầu tháng 10/2023, tổng số nợ đọng trong giai đoạn 2016 - 2020 gần 156 tỷ đồng, gồm nợ công trình đã quyết toán gần 27 tỷ đồng và nợ công trình chưa quyết toán xấp xỉ 129 tỷ đồng. Trong đó, nợ thực hiện tiêu chí xã NTM hơn 124,4 tỷ đồng và nợ thực hiện tiêu chí huyện NTM gần 31,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, đối với số nợ đọng nêu trên, ngân sách trung ương và tỉnh không nợ; ngân sách cấp huyện nợ gần 107 tỷ đồng; ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ xấp xỉ 49 tỷ đồng.

Khó gỡ

Thời gian qua việc thực hiện chương trình NTM gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, cuối năm 2022 Trung ương và tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, việc tổ chức triển khai ở hầu hết địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các mục tiêu của năm 2022.

Đáng nói là sau khi ban hành cơ chế, chính sách nhưng còn nhiều vướng mắc nên tháng 6/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55 (ngày 15/8/2023). Vì thế, cấp tỉnh phải trình HĐND tỉnh điều chỉnh các cơ chế, chính sách có liên quan nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình NTM.

Đại diện Sở NN&PTNT nhìn nhận, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 tăng thêm nhiều chỉ tiêu và quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn. Qua rà soát, hầu hết địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí. Đáng chú ý, phần lớn các xã miền núi cao, sau khi đạt chuẩn NTM được xếp vào nhóm xã thuộc khu vực 1 nên so với bộ tiêu chí mới thì rớt chuẩn khá nhiều.

Trong khi đó, bộ tiêu chí mới do Trung ương quy định có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh như việc hỏa táng người chết, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, tỷ lệ người dân thực hiện khám chữa bệnh từ xa và sổ khám chữa bệnh điện tử, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới: Giải ngân thấp, nợ đọng nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO