Tại Kỳ họp lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua đề án hỗ trợ thực hiện chương trình nông thôn mới đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo bước đột phá mới.
Nhận diện khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có 194 xã tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM). Thực hiện Nghị quyết số 37 (ngày 8.12.2016) của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh huy động gần 67.800 tỷ đồng hỗ trợ triển khai chương trình.
Việc quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp cho các nội dung trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 gồm các xã thuộc Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành; khu vực 2 gồm các xã thuộc Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức (trừ 3 xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia của Hiệp Đức); khu vực 3 gồm các xã thuộc Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và 3 xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia của Hiệp Đức.
Theo dự thảo đề án, về xây dựng giao thông nội đồng sẽ nâng tỷ lệ hỗ trợ lên 70% đối với khu vực 1 (thay cho 50% tại Nghị quyết 37); 80% đối với khu vực 2 (mức cũ 70%); 90% đối với khu vực 3 (mức cũ 80%).
Đối với xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao thôn, nâng tỷ lệ hỗ trợ lên 70% đối với khu vực 1 (mức cũ 60%) và 80% đối với khu vực 2 (mức cũ 70%). Đối với xây dựng huyện NTM, nâng tỷ lệ hỗ trợ lên 70% cho khu vực 1, 80% cho khu vực 2 và 90% cho khu vực 3 thay cho tỷ lệ hỗ trợ 60% tại Nghị quyết 37 để giảm áp lực đối ứng cấp huyện...
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2021, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của một xã trên toàn tỉnh là 16,48 tiêu chí.
Trong tổng số 194 xã thực hiện chương trình, đến nay đã có 118 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 60,08%); toàn tỉnh có 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và 195 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện chương trình NTM những năm qua, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình triển khai phát sinh không ít hạn chế, vướng mắc.
Theo lãnh đạo các ngành liên quan, giai đoạn 2016 - 2020 nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho chương trình NTM tuy có tăng so với giai đoạn 2011 - 2015 nhưng vẫn còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu vì địa bàn nông thôn rộng lớn, nhu cầu đầu tư còn rất nhiều. Đáng chú ý, tại 6 huyện miền núi cao, hiện nay tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chỉ dưới 15%.
“Kết quả xây dựng NTM ở khu vực miền núi cao trong 10 năm qua chưa đạt như mong muốn, ngoài lý do xuất phát điểm thấp, nhận thức của cán bộ và nhân dân còn hạn chế thì còn một số nguyên nhân khác cần tập trung khắc phục, đó là đầu tư vốn còn dàn trải, lồng ghép vốn của các chương trình, dự án chưa đạt hiệu quả cao; tư tưởng của một số cán bộ cơ sở và người dân không muốn đạt chuẩn NTM; cách làm NTM ở miền núi thời gian qua chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa phương; nhiều xã ở miền núi đã khó khăn nhưng năm 2020 cơ sở hạ tầng lại bị thiên tai tàn phá, hầu như phải đầu tư lại từ đầu” - ông Tấn nói.
Tạo đột phá mới
Qua nhiều lần chỉnh sửa, đến nay Sở NN&PTNT đã xây dựng hoàn chỉnh nội dung đề án hỗ trợ thực hiện chương trình NTM trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc triển khai thực hiện đề án này là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục xây dựng NTM trở thành một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở các cấp.
Ông Ngô Tấn cho hay, theo mục tiêu dự thảo đề án đặt ra, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025 có 155 xã/194 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 80%), có ít nhất 64 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (chiếm 40%), ít nhất 16 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (chiếm 10%).
Đến cuối năm 2025, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của một xã trên toàn tỉnh là hơn 17,5 tiêu chí, trong đó khu vực miền núi cao bình quân đạt 15,5 tiêu chí, khu vực miền núi thấp 18,5 tiêu chí, khu vực đồng bằng đạt đủ 19 tiêu chí. Đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
“Một mục tiêu quan trọng nữa là, phấn đấu năm 2025 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 (năm 2020 đạt 40,5 triệu đồng) và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,87% theo chuẩn nghèo mới, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%” - ông Tấn nói.
Theo dự thảo đề án trên, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam tiếp tục đầu tư gần 1.998 tỷ đồng cho chương trình NTM, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 1.302 tỷ đồng (ngân sách trung ương gần 672 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 630 tỷ đồng) và kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh 696 tỷ đồng.
Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, so với quy định nội dung, tỷ lệ hỗ trợ tại Nghị quyết số 37 (ngày 8.12.2016) của HĐND tỉnh thì nội dung, tỷ lệ hỗ trợ tại đề án này có một số thay đổi, bổ sung tập trung cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi, khởi nghiệp - sáng tạo, đào tạo nghề, phát triển kinh tế nông thôn gắn với du lịch...