Thời gian qua, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các cấp tập trung gỡ khó, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2023.
Nhiều khó khăn
Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, trong tổng số 193 xã thực hiện chương trình NTM, đến nay đã có 123 xã được công nhận đạt chuẩn, chiếm 63,73%. Tuy nhiên, qua rà soát và đánh giá theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, hiện toàn tỉnh chỉ có 27 xã duy trì đạt chuẩn, còn lại 96 xã không đảm bảo giữ chuẩn.
Theo kế hoạch, năm 2023 tổng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh bố trí thực hiện chương trình NTM là gần 600 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương hơn 585,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97,6%. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2023 toàn tỉnh mới chỉ giải ngân hơn 172,8 tỷ đồng, đạt 29,4%.
Theo kế hoạch ban đầu, năm 2023, Quảng Nam có 8 xã ở 6 địa phương gồm Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn, Quế Sơn, Phước Sơn, Tiên Phước đăng ký đạt chuẩn NTM.
Thế nhưng, dự kiến có 1 xã khả năng không đạt chuẩn là Trà Giang (Bắc Trà My) vì không đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh. Xã Phước Năng của huyện Phước Sơn cũng khó khăn trong việc thực hiện đạt chuẩn 2 tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo đa chiều.
Xây dựng xã NTM nâng cao, kế hoạch năm nay Quảng Nam có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn. Vậy nhưng, các địa phương sau khi rà soát đã hạ chỉ tiêu và chỉ còn 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Số xã đăng ký vừa nêu ở các huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, thời gian qua việc thực hiện chương trình NTM ở Quảng Nam gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Tấn, các bộ tiêu chí về xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 đã được ban hành nhưng nhiều bộ, ngành ở trung ương chậm công bố mức độ thực hiện các chỉ tiêu và hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, bộ tiêu chí giai đoạn này tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn nên qua kết quả rà soát, hầu hết địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí. Đáng nói là, các xã miền núi cao, sau khi đạt chuẩn NTM thì không còn thuộc đối tượng xã khó khăn khu vực 1 nên số tiêu chí giảm gần 50%.
Ông Ngô Tấn cũng cho rằng, một số tiêu chí bất cập trong quá trình thực hiện nhưng trung ương chậm ban hành quyết định điều chỉnh, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai ở các địa phương.
Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NTM, nhất là mục tiêu xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.
Đối với các huyện miền núi cao, việc lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra.
Cũng theo ông Ngô Tấn, cán bộ chuyên trách NTM ở cấp huyện và xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Nhiều địa phương chưa quan tâm, thiếu chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng NTM, nhất là chậm phân bổ nguồn vốn, thẩm định, đầu tư và tỷ lệ giải ngân vốn thấp…
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Ông Nguyễn Phước Tâm - Chủ tịch UBND xã Quế Minh (Quế Sơn) cho biết, theo lộ trình đặt ra, cuối năm 2023 địa phương sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, những năm qua, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn.
Hồi đầu năm nay xã mới hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM; còn lại 4 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo ông Tâm, trước tình hình đó, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn, xã Quế Minh đã đầu tư thêm gần 19 tỷ đồng cho chương trình NTM. Nguồn kinh phí trên phần lớn ưu tiên xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch xây dựng NTM…
Qua rà soát, thời điểm này địa phương đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM và đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan để trình cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2023” - ông Tâm nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023, tập trung củng cố các tiêu chí để lập hồ sơ đề nghị công nhận theo đúng thời gian quy định.
Trường hợp không đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Văn phòng điều phối NTM tỉnh để tổng hợp, phối hợp với các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý nếu vượt thẩm quyền.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị thủ trưởng các sở ban ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phụ trách thực hiện các bộ tiêu chí NTM tăng cường theo dõi, hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023.
Nếu có vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí NTM thì khẩn trương hướng dẫn các địa phương hoàn thiện, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chí mới tăng thêm; hạn chế trường hợp đến khi thẩm định mới đề nghị địa phương khắc phục, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhưng chưa duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 – 2025, UBND các địa phương phải khẩn trương rà soát và có kế hoạch, giải pháp thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí để bảo đảm đến cuối năm 2023 duy trì chuẩn theo quy định…