Đề tài khoa học cấp tỉnh “Các giải pháp về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Nam” được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, đã đề xuất một số giải pháp đáng chú ý cần thực hiện trong thời gian đến.
Nhiều hạn chế
Theo PGS-TS. Lê Đức Toàn (chủ nhiệm đề tài), đến thời điểm này, diện mạo nông thôn trên địa bàn Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến, khang trang hơn. Nhưng, thực tế tồn tại nhiều hạn chế, vệ sinh môi trường nhiều nơi vẫn chưa khắc phục được, tệ nạn xã hội diễn ra còn nhiều, chỉnh trang vườn tược còn trở ngại. Công tác chọn mô hình để sản xuất hiệu quả ở nông thôn vẫn còn lúng túng, thiếu chiến lược. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các loại hình thương mại, dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển. Nguyên nhân sâu xa là tỉnh vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn. Mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa huy động đủ lực tạo chuyển biến sâu sắc cho khu vực nông thôn, nhất là nông thôn miền núi. Các hình thức tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác chưa huy động mạnh mẽ sự đầu tư hợp tác lớn của nông dân để tạo cú hích mạnh mẽ phát triển kinh tế. Bởi vậy, sự liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa rõ ràng, chưa tạo động lực lớn để chuyển biến cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng nông thôn của tỉnh. Quy mô sản xuất nói chung còn manh mún, tập quán sản xuất được chăng hay chớ vẫn còn nên hướng đến phát triển bền vững sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Cơ giới hóa đồng ruộng giúp thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Q.V |
Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân như hỗ trợ xây dựng cơ cở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu, kiên cố kênh mương nội đồng. Chăn nuôi theo hướng hàng hóa an toàn dịch bệnh được tỉnh khuyến khích triển khai. Theo đó, người nông dân được hỗ trợ kinh phí phục vụ phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm ở gia súc, gia cầm. Nhiều chương trình khuyến nông, khuyến ngư cũng được thực hiện, giúp người dân tiếp cận và nhân rộng các mô hình hiệu quả như nuôi vịt biển ở TP.Tam Kỳ, Thăng Bình, nuôi cá nước ngọt ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Hiệu quả sản xuất mang lại cho các nông hộ mỗi năm cả trăm triệu đồng là đáng mừng. Đáng nói là mô hình thành công chưa nhiều và nhân rộng chưa đều khắp do mức hỗ trợ triển khai còn gặp khó. Trong khi đó, việc ứng dụng các giống cây trồng, con vật nuôi mới vào sản xuất còn gặp nhiều trở ngại do chi phí sản xuất lớn mà đầu ra chưa được đảm bảo.
Đề xuất giải pháp
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã dẫn chứng về một số địa phương trong và ngoài tỉnh đạt được thành tựu lớn trong phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn. Ví như tại Hà Tĩnh, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đã “bắt mạch” được những điểm yếu và có các giải pháp phù hợp, tạo cú hích lớn cho phát triển kinh tế. Bởi vậy, 13 sản phẩm sản xuất chủ lực của tỉnh đã hình thành và tạo động lực lớn, kích cầu phát triển kinh tế. Trong vòng 5 năm qua, Hà Tĩnh đã hỗ trợ đến 70% lãi suất vốn vay để khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ trực tiếp hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn lượt người tham gia sản xuất ở các mô hình kinh tế có triển vọng. Tại Quảng Nam, trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền và một số cây chủ lực gắn với phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Quảng Nam đã hỗ trợ mua gần 900 máy móc các loại với kinh phí hỗ trợ gần 22 tỷ đồng, giúp các nông hộ mở rộng quy mô sản xuất. Thực tế đã cho thấy điều này phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương như Tiên Phước, Hiệp Đức. Các dự án dồn điền đổi thửa, xây dựng các công trình hạ tầng như thủy lợi cũng đã tạo điều kiện nâng cao sản xuất. Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần đẩy nhanh triển khai các hỗ trợ làm trợ lực lớn giúp quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh thành công hơn trong thời gian đến.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, thường xuyên và lâu dài nên cần huy động tối đa các nguồn lực, thể hiện được vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư. Theo PGS-TS. Lê Đức Toàn, về công tác quản lý, tổ chức thực hiện, Quảng Nam cần đẩy mạnh chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều này rất quan trọng vì sẽ tạo chuyển biến về chất cho xây dựng nông thôn mới bởi đi vào thực chất và chiều sâu. Tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập cho người dân bằng cách lựa chọn khoảng 20 mô hình triển khai thử nghiệm trong thời gian qua để nhân rộng. Áp dụng điều đó cần coi trọng tính phù hợp ở mỗi địa phương triển khai và nhất là có cơ chế hỗ trợ 60 - 80% lãi suất vốn vay trong 4 năm đầu hoạt động. Đối với khu vực miền núi, tỉnh cần cung ứng đủ giống sâm ba kích bằng phương pháp cấy mô để triển khai phù hợp. Các loại giống heo nái F1 (Móng Cái), bò đực giống sind cần tiếp tục hỗ trợ để đồng bào miền núi ổn định sản xuất, tăng thu nhập.
Q.VIỆT - V.SỰ