Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lộc: Chuyển biến mạnh mẽ

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO 05/08/2013 08:22

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đại Lộc đang tiến triển nhanh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, quá trình sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện...

Thời gian qua, huyện Đại Lộc đặc biệt quan tâm đến bê tông hóa giao thông nông thôn.Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, huyện Đại Lộc đặc biệt quan tâm đến bê tông hóa giao thông nông thôn.Ảnh: VĂN SỰ

Phát triển hạ tầng

Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, 3 năm gần đây, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên diện rộng, Đại Lộc đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hệ thống giao thông nông thôn được xem là khâu đột phá. Từ năm 2010 đến nay Đại Lộc đã bê tông hóa thêm 84km đường liên xóm, liên thôn, liên xã với tổng vốn đầu tư hơn 54 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có gần 420km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa; trong đó đường liên xã 195km, đường liên thôn 200km, đường ngõ xóm 25km. Ông Tính nói: “Chỉ tính riêng 4 xã điểm xây dựng NTM là Đại Hiệp, Đại Cường, Đại Phong, Đại Hồng, đường giao thông liên xã đã kiên cố hóa được 44km, đạt hơn 90%. Ngoài ra, 53km đường liên thôn, liên xóm cũng đã được bê tông hóa”.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế

Theo ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, sắp tới Đại Lộc sẽ ưu tiên phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, tập trung có trọng điểm cho hạ tầng giao thông nội đồng, bê tông kênh mương, thủy lợi hóa đất màu và các công trình thủy lợi nhỏ. Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng, chính quyền huyện Đại Lộc luôn ưu tiên phát triển sản xuất. “Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tập trung quy hoạch đồng ruộng, chọn tạo nhiều loại giống mới và chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân để tiếp tục hình thành thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, mỗi xã phải đăng ký thực hiện 1 - 2 cánh đồng mẫu với quy mô 1 cánh đồng có diện tích ít nhất 30ha. Đồng thời, huyện sẽ tích cực hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng bền vững...” – ôngTính nói.

Cùng với phát triển giao thông, Đại Lộc luôn chú ý đến khâu thủy lợi, nhất là bê tông hóa hệ thống kênh mương. Ông Võ Minh Tuấn – cán bộ phụ trách Văn phòng UBND xã Đại Đồng cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã bê tông hóa được 18km kênh mương các loại. Với phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, xã Đại Đồng đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm 2014 sẽ tiếp tục kiên cố hóa gần 4km kênh mương còn lại, đảm bảo hoàn thành tiêu chí về thủy lợi do Trung ương quy định. Không riêng xã Đại Đồng, theo ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc, nhờ linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn nên 17 xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện cũng đã kiên cố hóa gần 110km kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất.

Thúc đẩy sản xuất

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, sau khi thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, 2 năm nay các địa phương ở Đại Lộc đã đăng ký xây dựng 26 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 880ha đất. Trên những cánh đồng mẫu lớn này, các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với nhiều doanh nghiệp tổ chức cho hàng nghìn hộ dân sản xuất lúa giống, lúa thơm, bắp lai, thuốc lá, ớt theo hướng hàng hóa tập trung, tạo giá trị kinh tế tăng 20 - 30% so với trước đây. Ông Mẫn nêu ví dụ, nếu trồng lúa thương phẩm trên các cánh đồng mẫu bình quân mỗi vụ 1ha nông dân sẽ thu về 45 triệu đồng, trong khi đó nếu trồng theo kiểu đại trà như lâu nay thì chỉ đạt chừng 36 triệu đồng.

Ngoài phát triển cánh đồng mẫu, thời gian qua nông dân Đại Lộc cũng phát triển mạnh mô hình trồng chuối lùn theo hướng chuyên canh. Được biết, hiện nay toàn huyện có không dưới 660ha chuối lùn đang mang lại cho nhà nông mức thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác cũng đã giúp người dân Đại Lộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Chẳng hạn, tại xã Đại An, gần 50ha đất chuyên canh các loại rau xanh mỗi năm cho nông dân nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha. Các mô hình trồng dưa hấu, đu đủ, trồng cỏ nuôi bò cũng đang giúp nhà nông ổn định sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ông Mẫn cho biết thêm, thực hiện đề án cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất của UBND tỉnh, trong năm 2012, huyện Đại Lộc đã hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã và nông dân trên 600 triệu đồng để mua mới 13 máy gặt đập liên hợp và 5 máy cày làm đất loại 4 bánh, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên toàn huyện lên 86 chiếc, máy cày 211 chiếc...

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lộc: Chuyển biến mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO