Xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang: Khắc phục hạn chế để tạo bước đột phá

CÔNG TÚ 26/04/2016 08:06

Huyện Đông Giang đã và đang tập trung tháo gỡ những vấn đề tồn tại nhằm tạo bước đột phá trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015 - 2020.

Những lực cản

Cuối năm 2015, huyện Đông Giang có xã Ba đạt chuẩn xây dựng NTM, 1 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 8 tiêu chí, 5 xã đạt 7 tiêu chí và 1 xã đạt 6 tiêu chí. Như vậy, kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 đều thấp so với mục tiêu mà nghị quyết HĐND huyện đã đề ra. Nhìn tổng quan, quy mô phát triển kinh tế của các xã còn nhỏ lẻ; hệ quả là năng suất, chất lượng và tỷ suất hàng hóa thấp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp lại chuyển dịch với tốc độ… chậm dần đều, tiềm năng chưa khai thác đúng mức, điểm dừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật lặp lại khá nhiều. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn thiếu và chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng lực cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế. Trong lúc đó, ô nhiễm vệ sinh môi trường khu dân cư nổi lên bức bách, công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng ở khu vực nông thôn thiếu chặt chẽ. Khâu rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM của ngành chức năng và các xã thiếu thực tế. Ngay như ở địa phương đã đạt chuẩn NTM, Chủ tịch UBND xã Ba - ông Phan Thanh Bình kể rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn xem chương trình xây dựng NTM là một dự án được đầu tư, chứ không phải là dân làm, dân hưởng lợi.

Mô hình vườn ươm giống keo tai tượng cung cấp cho thị trường ở Đông Giang.
Mô hình vườn ươm giống keo tai tượng cung cấp cho thị trường ở Đông Giang.

Theo ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên nhân khách quan có nhiều, song chủ yếu là xuất phát điểm của các xã thấp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn ở mức cao, trình độ dân trí còn hạn chế, việc sản xuất làm ăn chưa thay đổi nhiều. Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác NTM cấp cơ sở chỉ “đến hẹn lại lên”. Thêm vào đó, người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ từ sự hỗ trợ bên ngoài. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ và đồng bộ; khâu kiểm tra, giám sát còn hời hợt, không liên tục. Nói về công tác tuyên truyền ở địa phương mình, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tư, thẳng thắn thừa nhận, xã chưa xây dựng được chuyên đề về xây dựng NTM để phát rộng rãi trên đài truyền thanh. Vì vậy, người dân chưa nắm rõ nội dung và ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó, phong trào thi đua trong xây dựng NTM giữa các thôn xóm chưa mạnh mẽ, chưa phát huy được sức dân chung tay góp sức xây dựng NTM.

Nỗ lực cải thiện

Giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của huyện Đông Giang hơn 697,5 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, huyện phấn đấu huy động gần 895 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,5 tỷ đồng thông qua hiến đất, góp ngày công lao động, vật tư làm chuồng trại... Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn NTM của xã Ba, phấn đấu có thêm 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, gồm xã Tư, xã Ma Cooih, xã A Rooih, xã Jơ Ngây; 5 xã còn lại đạt trên 14/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Để thực hiện có kết quả chương trình xây dựng NTM, huyện Đông Giang cho rằng, con người là nhân tố đầu tiên cần được coi trọng để đảm nhiệm vai trò giữ nhịp chỉ đạo, điều hành, quản lý chương trình thật trôi chảy, hài hòa và sáng tạo được những điểm nhấn khác biệt. Cạnh đó, huyện cũng sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng, nâng tần suất tuyên truyền để cộng đồng dân cư hiểu rõ đây không phải là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, mà xây dựng NTM chính là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài ở nông thôn và do chính họ làm chủ. Vì vậy, Mặt trận và các hội, đoàn thể phải phát huy vai trò của mình, xung kích đi đầu vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, xã Tư sẽ phát động nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lồng ghép các cuộc họp, trực quan bằng pa nô, băng rôn, phát tài liệu… “Huyện chỉ đạo trọng tâm của công tác tuyên truyền là giới thiệu những cách làm sáng tạo, mô hình tốt để các xã và người dân học tập làm theo, tạo nên phong trào thi đua xây dựng NTM. Đôn đốc xã ký cam kết với thôn, thôn cam kết với từng hộ dân để thực hiện” - ông Đinh Văn Hươm cho biết.

Nhằm tạo bước chuyển mới trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020, Đông Giang đã và đang triển khai một số giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Cụ thể, huyện đang tiến hành đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây chủ lực đã được “chọn mặt gửi vàng”. Huyện cũng khẳng định, địa phương sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời các loại hình nhà nghỉ, nhà hàng, sửa chữa, dịch vụ sản xuất nông nghiệp được khuyến khích phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường sẽ tiếp tục củng cố, đầu tư; đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ, ưu tiên củng cố các trường đạt chuẩn... Cho biết thêm về giải pháp đầu tư, ông Đinh Văn Hươm nói, thứ tự mà huyện ưu tiên triển khai lần lượt là giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa. Các dự án được ưu tiên thực hiện trước là các dự án về sản suất, dân sinh hoặc mang tính đột phá để tạo tiền đề cho phát triển của địa phương. Quan điểm của huyện là nguồn lực từ cộng đồng, trách nhiệm người dân là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội là quan trọng, hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết, đó là yếu tố tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực trong cộng đồng và người dân cho xây dựng NTM.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới ở Đông Giang: Khắc phục hạn chế để tạo bước đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO