Chiều qua 23.10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng chủ trì có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Ninh về tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh và đại diện một số ngành liên quan.
Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, năm 2015, Phú Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM và đến cuối năm 2016 tất cả 10 xã tham gia thực hiện chương trình NTM của huyện đều được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, thời điểm năm 2015 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM đơn thuần là phép cộng của các xã, vì thực tế các tiêu chí của huyện NTM chưa được đầu tư đạt chuẩn như những tuyến đường ĐH, trung tâm văn hóa, trường THPT... Không chỉ vậy, việc phát triển sản xuất và công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Tại các xã đạt chuẩn NTM, hầu hết tiêu chí mới đạt ở mức tiệm cận, thiếu bền vững, nhất là các tiêu chí về trường học, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường, an ninh - quốc phòng.
Theo ông Nguyễn Đạo, để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí NTM do Trung ương quy định, trong 3 năm qua Phú Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tập trung huy động tối đa các nguồn lực tài chính để đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. “Từ năm 2016 đến nay, Phú Ninh đã đầu tư 771 tỷ đồng cho chương trình NTM; trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh hơn 168,5 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 35 tỷ đồng, ngân sách các xã gần 19,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp xấp xỉ 27,9 tỷ đồng, vốn lồng ghép và huy động các nguồn hợp pháp khác hơn 519 tỷ đồng. Thời gian qua, Phú Ninh tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của những năm trước. Hiện nay, nợ đọng từ ngân sách các cấp của Phú Ninh là hơn 3,3 tỷ đồng, giảm gần 38 tỷ đồng so với cuối năm 2015” - ông Đạo nói.
Với những phần việc đã triển khai trong gần 4 năm qua, dự kiến năm 2019, Phú Ninh sẽ có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM sau 5 năm là Tam Phước và Tam Thành. Theo kế hoạch, năm 2020 các xã còn lại của huyện sẽ được công nhận lại.
Nhiều hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình NTM ở Phú Ninh những năm qua vẫn còn bộc lộ khá nhiều tồn tại. Vai trò làm chủ của người dân chưa được phát huy đúng mức, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Hầu hết địa phương cấp xã đều gặp khó trong việc bố trí nguồn vốn đối ứng để xây dựng các công trình và thanh toán nợ đọng trong xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Đạo, hiện nay một số công trình thủy lợi như kênh N10A8, kênh Dương Lâm, kênh N10B, kênh trạm bơm điện Tam Lộc và nhiều công trình nước sạch nông thôn ở các xã Tam Lãnh, Tam Lộc, Tam Đại… chưa được đầu tư xây dựng nên người dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ việc sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, toàn huyện còn hơn 86km vùng điện áp thấp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân...
Ông Nguyễn Phi Thạnh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, những điểm nhấn nổi bật dễ nhận thấy của huyện qua việc thực hiện chương trình NTM, đó là sự chuyển biến về hạ tầng giao thông, trường, trạm, đặc biệt là các tiêu chí về văn hóa, giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu rà lại bộ 19 tiêu chí NTM thì Phú Ninh có 3 tiêu chí thiếu bền vững là phát triển kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất, cụ thể là nhiều hợp tác xã nhưng không mạnh vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, yếu trong khâu quản lý… “Dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt, bám khu dân cư để nói chuyện, tuyên truyền nhân dân nhưng những tồn tại trong xây dựng cảnh quan môi trường vẫn chậm được khắc phục. Bên cạnh nhận thức và ý thức của người dân nông thôn thì việc quản lý cộng đồng xã hội chưa bài bản, thiếu chế tài xử lý… là những lý do gây khó khăn trong xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn” - ông Thạnh chia sẻ.