Việc thực hiện đạt tiêu chí số 10 và 11 trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi luôn gặp nhiều khó khăn, song đến nay hầu hết xã về đích nông thôn mới ở 6 huyện miền núi cao đều đã tăng thu nhập bình quân cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hoàng Phát ở xã Trà Dương (Bắc Trà My) được thành lập vào năm 2021 với 21 xã viên, ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi heo, gà, vịt và trồng các loại cây ăn quả trên đất đồi núi.
Ông Thái Hiền - Giám đốc HTX cho biết: “Với trang trại gồm hơn 300 con heo thịt, hơn 1.000 con gà, vịt cùng gần 5ha trồng cây cam sành, quýt đường, bưởi da xanh, hằng năm, sau khi trừ chi phí, mỗi xã viên có thu nhập 70 đến 80 triệu đồng. Trong quá trình phát triển, HTX được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền xã Trà Dương”.
Bắc Trà My có 3 xã về đích nông thôn (NTM) mới gồm Trà Dương, Trà Tân và Trà Đông. Để đạt được thành tích đó, hai tiêu chí khó số 10 và 11 là tăng thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo đã được huyện tập trung giải quyết.
Ngoài việc thực hiện các chính sách thoát nghèo của Trung ương, tỉnh, huyện còn khuyến khích hình thành các tổ liên kết sản xuất, các HTX chăn nuôi, trồng trọt. Thêm vào đó chương trình chung tay xây dựng NTM được xem là cách làm hiệu quả trong giảm nghèo ở Bắc Trà My.
Ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My cho biết: “Nhờ nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực mà đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 43,9%, giảm 6,54% so với 2021, tương đương với giảm 656 hộ nghèo.
Bắc Trà My phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,45%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Đến năm 2025, Bắc Trà My phấn đấu có thêm 2 xã Trà Giang và Trà Sơn đạt chuẩn NTM”.
Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 32/94 xã miền núi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, riêng tại 6 huyện miền núi cao có 10/64 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 15,6%.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2021 - 2025 ở miền núi có thêm nguồn lực đầu tư từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đó sẽ là điều kiện để các huyện, xã miền núi hoàn thành hai tiêu chí 10 và 11, từ đó về đích NTM theo lộ trình đã đề ra.
Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 xã NTM tại các huyện miền núi; có 80 thôn khu vực miền núi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó có ít nhất 50% số thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để làm được điều này, hai tiêu chí khó là tăng thu nhập và giảm nghèo cần phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn.