Xây dựng nông thôn mới ở xã Quế Phong: Gian nan đường về đích

VĂN SỰ - VINH ANH 22/03/2022 06:49

Xã Quế Phong (Quế Sơn) đặt mục tiêu năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đường về đích hết sức gian nan.

Phong trào xây dựng vườn mẫu được người dân Quế Phong hưởng ứng tích cực. Ảnh: S.A
Phong trào xây dựng vườn mẫu được người dân Quế Phong hưởng ứng tích cực. Ảnh: S.A

Kết quả bước đầu

Giữa tháng 3, chúng tôi quay lại Quế Phong – địa phương vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Xã an toàn khu.

Ông Phạm Hồng Ân – Bí thư Đảng ủy xã nói, trước đây Quế Phong khó khăn chồng chất. Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), xã mới chỉ đạt tiêu chí số 4 về điện. Trong 10 năm qua, nhờ nỗ lực thực hiện nhiều phần việc, diện mạo nông thôn và đời sống người dân nơi đây có nhiều chuyển biến.

Từ 2011 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quế Phong đầu tư khoảng 13 tỷ đồng thực hiện NTM, trong đó chủ yếu xây dựng hạ tầng giao thông và thủy lợi. Ngoài 12km các trục đường ĐH qua xã, có 10km đường trục thôn và ngõ xóm được bê tông hóa, 7km kênh chính KN-1, KN-2 và 12km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa.

“Mừng là trạm y tế xã đã được xây dựng kiên cố với quy mô 2 tầng và cả 3 trường học gồm mẫu giáo, tiểu học, THCS của xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1” – ông Ân nói.

Nhờ kinh tế phát triển, đời sống người dân Quế Phong cải thiện đáng kể. Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33,85 triệu đồng, tăng 17,85 triệu đồng so với năm 2011; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo là 6,08%, giảm 6% so với cách đây 10 năm.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Quế Phong đã tạo được sự khởi sắc trên lĩnh vực kinh tế. Toàn xã có 334ha đất lúa và 250ha đất màu.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống mới có chất lượng tốt vào canh tác đại trà nên năng suất lúa và nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày không ngừng tăng.

Năm 2021, năng suất lúa bình quân của xã đạt 50,5 tạ/ha, tăng 5 tạ so với năm 2016 và tăng 8 tạ so với cách đây 10 năm. Bình quân hằng năm 1ha đất màu trồng sắn xen đậu phụng và sắn xen bắp lai cho mức thu nhập 55 – 60 triệu đồng.

Thời gian qua, người dân địa phương tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: S.A
Thời gian qua, người dân địa phương tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: S.A

Hiện Quế Phong có 270ha đất lâm nghiệp chuyên trồng rừng nguyên liệu. Mỗi năm, nông dân khai thác 50 – 60ha và trung bình 1ha đạt giá trị khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 35 – 40 triệu đồng. Phát huy lợi thế của địa phương, những năm gần đây, nông dân đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn.

Ngoài 4 khu vườn mẫu có quy mô từ 1 – 2,5ha, địa phương còn có 50 mô hình (diện tích từ 1.000m2 trở lên) chuyên canh các loại cây ăn quả như bưởi, xoài, ổi, mít, chuối...; 50 mô hình nuôi bò lai thâm canh và 4 mô hình nuôi dê thương phẩm, bình quân 1 mô hình đạt giá trị 60 – 80 triệu đồng/năm.

Cần sự tiếp sức

Tính đến giữa tháng 3.2022, Quế Phong đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Theo lộ trình, cuối năm 2024 xã sẽ cán đích NTM. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho rằng, nếu thời gian tới Quế Phong không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cấp trên thì rất khó về đích theo đúng kế hoạch.

Diện mạo nông thôn Quế Phong đã khởi sắc. Ảnh: S.A
Diện mạo nông thôn Quế Phong đã khởi sắc. Ảnh: S.A

Theo ông Phạm Hồng Ân, do không nằm trong lộ trình về đích NTM giai đoạn 2011 – 2021 nên nguồn lực tài chính đầu tư cho Quế Phong khá thấp. Trong số 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM 10 năm qua, chỉ có 3 tỷ đồng vốn trực tiếp từ chương trình. Vì thế, kết cấu hạ tầng của xã còn hạn chế so với những nơi khác, nhất là hệ thống giao thông, kênh mương, cơ sở vật chất văn hóa...

Trong số 12km các trục đường ĐH qua địa bàn, xã đề nghị cấp trên đầu tư mở rộng, nâng cấp 5km vì có nhiều đoạn tuyến khá hẹp, xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại và không đảm bảo an toàn giao thông. Quế Phong còn 9km đường trục thôn, ngõ xóm chưa được bê tông hóa. Không kể kinh phí bồi thường giải tỏa, để xây dựng 9km đường này địa phương cần hơn 6 tỷ đồng.

Quế Phong có 334ha đất lúa. Mặc dù trên địa bàn có 2 hồ chứa nước An Long, Hố Giếng và 4 đập dâng kiên cố, 25 đập thời vụ nhưng vẫn còn rất nhiều ruộng lúa không chủ động nước tưới. Vụ đông xuân nông dân chỉ gieo sạ được 300ha và vụ hè thu 250ha, diện tích còn lại phải bỏ hoang.

Nguyên nhân là toàn xã còn 9km kênh mương chính và 18km kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hóa. Trước mắt xã cần 6 tỷ đồng để xây dựng 2,5km kênh KN-2 từ khu vực Cầu Đình - thôn An Long đến dốc Ông Cang - thôn Thuận Long để dẫn nguồn nước tưới cho hơn 50ha đất lúa. Còn để kiên cố 18km kênh mương nội đồng, phải cần hơn 10 tỷ đồng nữa.

“Quế Phong cũng cần nguồn vốn 9 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa xã, khu thể thao xã và nhà văn hóa của 2 thôn Thuận Long, An Long nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp và thi đấu thể thao của nhân dân.

Là xã an toàn khu, ngân sách địa phương quá eo hẹp, đời sống người dân còn lắm khó khăn nên việc huy động nguồn lực không nhiều. Do vậy, Quế Phong cần sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành” – ông Ân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới ở xã Quế Phong: Gian nan đường về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO