Xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Mỹ Đông: Đích đến không còn xa

MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO 24/02/2014 09:46

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), dù vẫn còn nhiều thử thách phía trước nhưng chính quyền, nhân dân xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành) vẫn vững tin trong tương lai không xa, địa phương sẽ trở thành mô hình điểm ở khu vực miền núi của huyện.
Vào cuộc mạnh mẽ

Mở đầu câu chuyện, ông Phan Đình Phùng - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông tâm sự: “Thuận lợi và cũng là thành công đầu tiên của chúng tôi khi bắt tay vào xây dựng NTM chính là sự vào cuộc quyết liệt của đảng ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân. Điều này thể hiện rõ nhất khi có hơn 1 nghìn lượt người tham dự những cuộc họp góp ý kiến vào đề án xây dựng NTM của xã”. Theo ông Phùng, thời gian qua, ngoài việc đóng góp 1,5 tỷ đồng để kiên cố hóa nhiều tuyến giao thông nông thôn, nhân dân trên địa bàn còn tham gia hàng trăm công lao động, góp thêm 250 triệu đồng bê tông hóa tuyến kênh chính Phú Quý và chỉnh trang đồng ruộng. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, người dân cũng tự nguyện hiến 10.000m2 đất để mở rộng mặt đường ĐH7 và các trục giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đường bờ vùng, bờ thửa. Ông Nguyễn Cường ở thôn Phú Quý 1 - người xung phong hiến 200m2 đất để mở rộng tuyến ĐH7 chia sẻ: “Đây là con đường chính đi qua xã nhưng mặt đường rất hẹp, nhiều chỗ hư hỏng nặng nên khi lãnh đạo địa phương vận động nhân dân hiến đất, tôi hưởng ứng ngay. Bởi khi đường mở rộng ra 8m thì quê hương mình khang trang lên và việc lưu thông cũng an toàn hơn”.

Sau khi dồn điền đổi thửa, cánh đồng Phú Quý được xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng.                                                                                               Ảnh: Đạo Nhi
Sau khi dồn điền đổi thửa, cánh đồng Phú Quý được xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng. Ảnh: Đạo Nhi

Sự chung tay góp sức của người dân là động lực lớn để chính quyền xã nỗ lực đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, Tam Mỹ Đông đã bê tông hóa 5,25km giao thông nông thôn với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi cũng được tích cực kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía. Theo đó, ngoài việc thi công 2km kênh chính thuộc hồ chứa Hố Cái, xã còn xây dựng hoàn thành tuyến kênh chính Phú Quý dài 632m với nguồn vốn gần 1,7 tỷ đồng và nâng cấp tuyến kênh Thái Xuân dài 498m với số tiền 1,1 tỷ đồng. Đồng thời sửa chữa hệ thống đóng mở của đập Phú Quý với kinh phí gần 200 triệu đồng. Trên lĩnh vực giáo dục, từ nguồn vốn sự nghiệp của nhà trường và nguồn hỗ trợ của cấp trên, các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn xã đã được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tốt việc dạy học...

Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa

Vụ đông xuân năm ngoái xã Tam Mỹ Đông bắt tay vào việc chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa hơn 57ha tại cánh đồng Phú Quý. “Song song với dồn điền đổi thửa, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp 6,1km giao thông nội đồng với hơn 10.000m3 đất được đắp. Đối với các tuyến kênh mương chính nhân dân cũng đã đắp 6.581m3 đất với chiều dài gần 11km. Riêng năm 2013, xã đã bê tông hóa 450m giao thông nội đồng, 580m kênh tại cánh đồng Phú Quý” - ông Phùng cho hay. Gần đây, công tác dồn điền đổi thửa tại Tam Mỹ Đông diễn ra khá mạnh mẽ khi nhân dân các thôn Phú Quý 1, Phú Quý 2, Phú Quý 3 tiếp tục huy động hơn 2.000 công lao động để đắp bờ thửa, hình thành nhiều tuyến kênh mương với tổng chiều dài gần 5,7km. Mặt khác, nông dân ở các thôn này cũng đã tham gia 4.000 công lao động để chỉnh trang, cải tạo lại đồng ruộng. Nhân dân thôn Trà Tây, Đa Phú 1, Đa Phú 2 cũng đồng loạt ra quân sửa chữa lại những bờ vùng, bờ thửa, gia cố các tuyến kênh mương trọng yếu.

Ông Phan Đình Phùng cho rằng hiệu quả từ công tác dồn điền đổi thửa rất rõ. Trước khi dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân gần 3 thửa/hộ nhưng sau khi thực hiện xong chỉ còn 1,8 thửa/hộ. Thành công lớn nhất chính là năng suất lúa tăng lên đáng kể. Lúc trước, năng suất lúa bình quân chỉ 50 - 53 tạ/ha thì nay đã đạt 60 tạ/ha”. Ông Châu Ngọc Hùng – Bí thư Chi bộ thôn Phú Quý 2 cho biết thêm: “Trước kia, tôi có đến 4 thửa ruộng nhỏ với tổng diện tích 2.500m2 nhưng sau khi dồn điền đổi thửa chỉ còn lại 2 thửa lớn. Nhờ đất sản xuất hết phân tán, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên đã giảm bớt công làm đất, thu hoạch và ít tốn thời gian thăm đồng, bón phân, lấy nước. Tôi nhẩm tính, riêng khâu làm đất, thu hoạch, mỗi vụ sẽ giảm được 300 nghìn đồng/sào, trong khi đó năng suất lúa tăng từ 250 lên 300kg khô/sào”. Từ hiệu quả của công tác dồn điền đổi thửa, xã Tam Mỹ Đông đang tập trung thực hiện tiếp khâu này trên diện tích 60ha ở thôn Phú Quý 2, Đa Phú 1, Trà Tây.

Định hướng tương lai

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, Tam Mỹ Đông đã hoàn thành thêm 9 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt được lên con số 10. Theo kế hoạch, năm 2014 này địa phương sẽ hoàn thành 5 tiêu chí nữa là giao thông, hộ nghèo, thu nhập, văn hóa, môi trường. Và sẽ hoàn tất 19 tiêu chí vào năm 2015 để trở thành xã NTM như lộ trình đã đặt ra. Hiện nay, Tam Mỹ Đông đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành 5 tiêu chí trong năm 2014. Theo ông Phùng, mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm của xã khoảng 15,5 triệu đồng/người, thấp hơn quy định của tiêu chí NTM 500 nghìn đồng. Để khắc phục vấn đề này, chính quyền xã đang đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đầu tư vào địa bàn và hoạt động có hiệu quả.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, chính quyền xã cũng đã thực hiện việc rà soát, qua đó cho thấy đến nay Tam Mỹ Đông còn khoảng 7,3% hộ nghèo. Vì thế, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể quyết liệt vào cuộc, ưu tiên nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ nghèo có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp, tạo ra thu nhập ổn định nhằm thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, người dân Tam Mỹ Đông đã được vay ưu đãi 9 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Núi Thành. Đối với tiêu chí giao thông và văn hóa, ông Phùng cho biết thời gian tới sẽ tập trung đầu tư vốn để tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn văn hóa một cách hiệu quả.

Khi phát động xây dựng NTM vào ngày 25.4.2011, Tam Mỹ Đông chỉ đạt duy nhất 1 tiêu chí là giáo dục. Lúc đó, khó khăn chồng chất vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm. “Có lẽ, xuất phát điểm thấp đã giúp cho chính quyền và nhân dân xã nhà đồng lòng cao, quyết tâm lớn. Đến nay, một nửa chặng đường đã đi qua và hơn một nửa số tiêu chí cũng đã được hoàn thành là kết quả đáng mừng trong công cuộc xây dựng NTM của địa phương. Tôi tin rằng, khi có nhân dân ủng hộ và nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ cấp trên thì Tam Mỹ Đông sẽ là xã NTM miền núi đầu tiên của Núi Thành” - ông Phùng nói.

MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Mỹ Đông: Đích đến không còn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO