Xây dựng NTM vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên: Hướng tới phát triển toàn diện

VĂN SỰ - THÀNH CÔNG 09/09/2019 10:46

Những con số ấn tượng sau gần 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên đang mở ra nhiều động lực cho các địa phương, từng bước thoát khỏi vị trí “vùng trũng” về NTM trong thời gian đến.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại biểu Trung ương và 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Ảnh: S.C
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại biểu Trung ương và 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Ảnh: S.C

Nhiều kết quả khả quan

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên. Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông) có tổng cộng 1.424 xã thực hiện xây dựng mô hình NTM, trong đó vùng Duyên hải có 825 xã và vùng Tây Nguyên có 599 xã. Theo ông Nam, trong giai đoạn 2010 - 2019, bằng nhiều nguồn vốn huy động, 13 tỉnh thành trên đã đầu tư 364.585 tỷ đồng cho chương trình NTM. Qua thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên có 604/1.424 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 42,41%), trong đó vùng Duyên hải có 378/825 xã và vùng Tây Nguyên có 226/599 xã. Hiện nay, vùng Duyên hải bình quân đạt 15,21 tiêu chí/xã, tăng 10,21 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 1,91 tiêu chí/xã so với năm 2015; vùng Tây Nguyên bình quân đạt 13,72 tiêu chí/xã, tăng 10,22 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 3,32 tiêu chí/xã so với năm 2015. Về cấp huyện, cả 2 vùng có 9 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. “Kết quả trên là khá khả quan, tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước, cả 2 vùng và riêng từng vùng đều có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn duy nhất vùng miền núi phía Bắc. Điều đó cho thấy, vùng duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên vẫn đang là “vùng trũng” về xây dựng NTM của cả nước” - ông Nam nói.

Xây dựng NTM cần đi vào chiều sâu, thực chất

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ, qua 10 năm thực hiện chương trình NTM, hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn đã được đầu tư tương đối đồng bộ, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, do đó giai đoạn sau năm 2020 cần có những hướng đi mới để phù hợp với quy luật phát triển. Việc tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn là hướng đi phù hợp để Trung ương định hướng và có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển các lĩnh vực này thời gian đến. Có như vậy mới hướng đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất, nông thôn thật sự là những “miền quê đáng sống”, người dân nông thôn sống thật sự bằng nghề nông nghiệp trên mảnh đất của họ.

Riêng tại Quảng Nam, toàn tỉnh có tổng cộng 204 xã tham gia thực hiện mô hình NTM. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn Quảng Nam huy động để thực hiện chương trình NTM là hơn 28.317 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9.2019 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia xây dựng NTM trên toàn tỉnh là 14,27 tiêu chí/xã, tăng 11,66 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến nay, Quảng Nam đã có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 41,67%, 58 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Trong 4 năm qua, 2 địa phương này vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, hàng năm Quảng Nam đều hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đề ra. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 119 xã đạt chuẩn NTM (đạt 58,3% tổng số xã), không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí, ít nhất 133 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cùng với chương trình NTM, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” -  OCOP cũng đang được tỉnh đẩy mạnh để người dân có thể phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, cải thiện thu nhập. Là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm chương trình OCOP của cả nước, ngay trong năm 2018 Quảng Nam đã tổ chức thi phân hạng và chọn ra 25 sản phẩm được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP đã chứng tỏ sức lan toả mạnh mẽ ở Quảng Nam, nhiều địa phương đã biết tận dụng các sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm của mình...

Cải thiện đời sống người dân nông thôn

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn khá giả, tiệm cận với khu vực đô thị. “Các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên cần tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với quá trình đô thị hóa. Đồng thời chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gắn với phát triển mạnh du lịch nông thôn, đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp” - ông Nam nhấn mạnh.  

Ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên không chỉ có nhiều tiềm năng về tự nhiên mà còn là nơi giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo. Đây là vùng đặc trưng nhất của Việt Nam để xây dựng NTM. Bởi đây là vùng có không gian phát triển xây dựng nông nghiệp, ngư nghiệp điển hình và rộng lớn nhất. Qua gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết quả đạt được khá toàn diện và rất nền tảng. Thời gian đến, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, chủ động hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 và bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Chính quyền các cấp phải chủ động nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM đột phá cho vùng, nhằm thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực; rà soát, nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương khó khăn. “Trong xây dựng NTM sau năm 2020, phải đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết nối với nông thôn và đô thị, các chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, công tác bảo vệ môi trường…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng NTM vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên: Hướng tới phát triển toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO