Mục tiêu trên được UBND tỉnh đặt ra đến năm 2030, cùng với quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, cũng là nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 26, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168, ngày 29/12/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Quảng Nam hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung; hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.
Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu; trung tâm nông lâm nghiệp chế biến sâu; trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao. Các vùng miền, địa phương giữ gìn, bảo tồn tốt bản sắc văn hóa; đa số cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ; hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, kế hoạch đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 hơn 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 176 triệu đồng/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP.
Thu ngân sách đến năm 2025 tăng bình quân 9%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 tăng bình quân 10%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%, trong đó khu vực đồng bằng đạt hơn 65%.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Tỷ lệ số xã đủ chuẩn nông thôn mới đạt 90%, nông thôn mới nâng cao đạt 60%, nông thôn mới kiểu mẫu đạt 30%. Phấn đấu đạt 16 bác sĩ/vạn dân, 48 giường bệnh/vạn dân. Duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 96%.
Trên lĩnh vực môi trường, tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%. Tất cả hộ gia đình ở thành thị và 70% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Mọi khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%, các điểm dân cư nông thôn đạt 90%; chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đạt 85%.
Thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, trước mắt UBND tỉnh yêu cầu tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các địa phương, ngành tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển phù hợp.
Ngoài tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng để đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu đảm bảo liên kết vùng và các tiểu vùng; toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Trong đó, cơ cấu ngành công nghiệp phát triển bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế, có sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dịch vụ - du lịch được phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thay đổi căn bản về cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển.
Tài nguyên thiên nhiên được quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, chuyển đổi số được phát triển toàn diện. Quốc phòng, an ninh đảm bảo ổn định, vững chắc; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh.