Đã đến lúc Hội An, Quảng Nam xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp, kể cả chọn lọc thị trường khách. Đây là những đề xuất từ các chuyên gia và nhà quản lý du lịch nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Du lịch Quảng Nam cần hướng đến những sản phẩm cao cấp. Ảnh: K.L |
Sản phẩm thương hiệu
Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1829/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty CP Pari nhỏ - Hội An đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Nông trại xanh Trà Nhiêu, xã Duy Vinh, Duy Xuyên (diện tích 71.000m2, tổng vốn đầu tư dự án 30 tỷ đồng) giữa tháng 6 vừa qua, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội đưa Trà Nhiêu trở thành điểm đến hấp dẫn bên ngoài di sản Hội An.
Theo bà Đỗ Thị Hoa - Công ty CP Pari nhỏ - Hội An, khu du lịch sẽ có quy mô 50 căn nhà vườn, 2 villa (mỗi villa 9 phòng), khu nhà hàng, khu dịch vụ giải trí và các công trình phụ trợ khác, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 1.2021. “Chúng tôi chọn đầu tư tại Trà Nhiêu vì nơi đây hội tụ nhiều yếu tố quan trọng như gần Hội An, cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, phù hợp với việc xây dựng sản phẩm nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Đây sẽ là sản phẩm hướng đến đối tượng khách quốc tế cao cấp từ Hội An sang nhằm mang đến những trải nghiệm về du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng” - bà Hoa nói. Tại Trà Nhiêu, ngoài khu du lịch Nông trại xanh, dự án du lịch sinh thái quy mô 29ha cũng đang chờ tỉnh phê duyệt đầu tư. Theo ông Phan Xuân Hiền - Tổng giám đốc Công ty CP Hội An Trà Nhiêu, cơ hội của Trà Nhiêu rất lớn vì hiện nay lượng khách đến Hội An không chỉ quá đông mà những sản phẩm dành cho dòng khách cao cấp cũng thiếu. “Vì vậy sản phẩm chúng tôi hướng đến là những giá trị văn hóa bản địa, giúp khách cảm nhận được chiều sâu của cộng đồng nên đối tượng khách sẽ được chọn lọc” - ông Hiền cho biết.
Vài năm trở lại đây vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp đã được đặt ra, đặc biệt tại Hội An với những điểm du lịch như Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh. Trong đó, Cù Lao Chàm yêu cầu này càng trở nên cấp thiết nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế rác thải môi trường và những áp lực từ du lịch mang lại. Năm 2017 Cù Lao Chàm đón hơn 400 nghìn lượt khách, cùng với đó lượng rác thải ra khoảng 4 tấn/ngày. Do đó, du lịch cao cấp không chỉ góp phần chọn lọc, khống chế lượng khách ra Cù Lao Chàm, giảm áp lực lên đảo mà còn giúp tăng doanh thu tương xứng với lợi thế và sản phẩm riêng có của khu dự trữ sinh quyển này. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đã đến lúc du lịch Cù Lao Chàm “chọn” khách, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. “Chỉ cần 1.000 khách ra đảo nhưng chi tiêu cao vẫn hiệu quả hơn 3.000 khách ra đảo mà chi tiêu thấp. Đây cũng là cách tăng nguồn thu nhưng hạn chế những tác động tiêu cực từ du lịch gây ra tại Cù Lao Chàm” - ông Cường phân tích.
Đóng góp chưa tương xứng
Dù có những phát triển mạnh mẽ nhưng đóng góp của du lịch vào GRDP vẫn còn khá thấp. Có nhiều nguyên nhân như sản phẩm du lịch nghèo nàn, đầu tư hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực yếu và thiếu… kéo theo chi tiêu của khách còn thấp. Theo kết quả điều tra từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, chi tiêu của khách du lịch đến Quảng Nam qua các năm khá thấp, thậm chí chi tiêu của khách quốc tế còn sụt giảm mạnh từ sau năm 2009. Cụ thể, năm 2015, chi tiêu bình quân của khách quốc tế chỉ đạt 82,9USD/ngày, sụt giảm khá xa so với năm 2009 (134,31USD/ngày), mức chi tiêu của khách nội địa có tăng lên từ 408,7 nghìn đồng/ngày lên 1,120 triệu đồng/ngày. Năm 2017, Quảng Nam đón 5,35 triệu lượt khách tham quan lưu trú, doanh thu du lịch khoảng 3.860 tỷ đồng, nếu so với Đà Nẵng (6.695 tỷ đồng), Khánh Hòa (4.531 tỷ đồng) hay Phú Quốc (4.582 tỷ đồng)… thì con số trên vẫn chưa tương xứng.
Trong Hội nghị về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, một số đại biểu cho rằng, với những lợi thế về di sản thế giới, bờ biển dài đẹp cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên… Quảng Nam có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù và cao cấp. Tuy nhiên, để tạo nhiều đột phá và phát triển du lịch bền vững, Quảng Nam cần chú trọng chọn lọc đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và cao cấp hướng tới mục tiêu “chất lượng - đẳng cấp - sự khác biệt”. Thống kê cho thấy, trong 6 khách sạn 5 sao ở Quảng Nam, cũng chỉ mới có The Nam Hai là đạt đẳng cấp 5 sao quốc tế. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, đã đến lúc ngành du lịch tỉnh cần nâng cấp chất lượng, phát triển theo chiều sâu, kể cả chọn lọc khách có đẳng cấp. “Phát triển những sản phẩm du lịch mà tỉnh có lợi thế. Duy trì, chọn lọc thị trường khách văn minh, chi tiêu cao, hướng đến xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến có thương hiệu không chỉ của khu vực mà trong cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
KHÁNH LINH