Chọn hướng du lịch sinh thái để phát triển du lịch Cù Lao Chàm (Hội An), nhưng sản phẩm du lịch ở vùng biển đảo này hiện vẫn còn hạn chế, cần tìm hướng đa dạng để thu hút khách.
Những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm không ngừng phát triển, thu hút một lượng lớn khách du lịch với các hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là lặn khám phá đáy biển, ngắm san hô, cắm lều trại ở bãi biển và lưu trú cùng dân. Tuy vậy, các dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được bản sắc, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cư dân miền biển.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Nghề biển là một nghề rất mạnh của Cù Lao Chàm. Khi không đưa điểm mạnh đó vào và không tìm cách bảo tồn thì chúng ta thiếu quy hoạch phát triển bền vững, bởi đó là nghề xương sống, là linh hồn của du lịch Cù Lao Chàm chứ chúng ta mới chỉ dựa vào thiên nhiên nhiều quá!”.
Cùng với những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển đảo, gắn bó lâu năm với nghề khai thác thủy hải sản, khai thác yến sào với những lễ hội dân gian, truyền thống như lễ hội cầu ngư, giỗ tổ nghề yến…, Cù Lao Chàm còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, độc đáo. Cán bộ và nhân dân trên đảo đang bảo vệ 580ha và khoanh nuôi hiệu quả gần 460ha rừng đặc dụng.
Thế nhưng, hiện nay du khách đến tham quan Cù Lao Chàm chủ yếu được trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái biển như tham gia các hoạt động thể thao biển, tắm biển, lặn ngắm san hô; kết hợp theo tour tham quan các di tích lịch sử, đi dạo trên đảo và một số hoạt động dã ngoại khác rồi thưởng thức đặc sản biển, rau rừng, cua đá… chứ chưa khai thác ưu thế du lịch sinh thái rừng. Rõ ràng, so với tiềm năng và lợi thế, chừng đó loại hình là còn hạn chế, chưa thật phong phú và chưa hấp dẫn.
Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An cho biết, mặc dù đã nói rất nhiều lần nhưng thực tiễn vẫn chưa tiếp cận được trên rừng. Phải đưa du khách lên để tìm hiểu về sự đa dạng và vai trò quan trọng của rừng Cù Lao Chàm đối với tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học và đặc biệt là đời sống con người ở đây qua bao đời dựa vào rừng như thế nào, trong đó có tài nguyên nước.
Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái rừng - biển, Cù Lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa, lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, ChămPa, Đại Việt…
Cư dân sống trên đảo cũng đã tạo dựng nên một bề dày lịch sử văn hóa độc đáo với kho tàng tri thức dân gian, ca dao, tục ngữ về nghề nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống, văn hóa ẩm thực phong phú, đặc trưng. Đưa những ngành nghề địa phương và những câu chuyện được truyền từ xa xưa vào du lịch, quảng bá hình ảnh, cung cấp những chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách cũng là hướng đa dạng sản phẩm du lịch cho Cù Lao Chàm.
TS.Ando Katsuhiro (Trường Đại học Yamanashi, Nhật Bản) cho rằng cách làm đó sẽ giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của những người dân, biết đến những ngành nghề lao động trên đảo, từng bước thương mại hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng như trà lá rừng, võng đan từ cây ngô đồng, bánh ít lá gai, điểm tham quan Suối Tình…