Thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) chọn dầu phụng để xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm dầu phụng Tam Anh Bắc từ lâu đã được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Toàn xã hiện có 45ha đất sản xuất cây đậu phụng nhưng nhiều năm qua sản phẩm còn mang tính tự cung tự cấp. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi sản xuất dầu phụng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm OCOP hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc cho biết: “Địa phương vừa lập dự án sản xuất đậu phụng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Quy mô của dự án trên diện tích 20ha tại thôn Đức Bố 1 và Đức Bố 2; với 60 hộ dân có diện tích đất trồng đậu phụng trong vùng quy hoạch, đáp ứng các yêu cầu dự án tham gia… Trong vùng dự án 20ha cây nguyên liệu đậu phụng được quy hoạch, nông dân sẽ được hỗ trợ giống, phân bón và các chế phẩm sinh học trong 3 năm (2019 -2021). Đồng thời chương trình cũng hỗ trợ chi phí tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký thương hiệu, mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm và tiếp cận thị trường… Dự án này gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (OCOP) có tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nông thôn mới: hơn 385 triệu đồng, nguồn đối ứng gần 640 triệu đồng. Tiếp đó là tổ chức thực hiện mô hình sản xuất đậu phụng bằng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong tháng 1 và tháng 2.2019. Cũng trong năm 2019, dự án xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm dầu phụng và tổ chức các buổi hội thảo, tham quan mô hình, hoàn thiện hồ sơ đăng ký thương hiệu, nhãn mác…
Với việc thực hiện dự án sản xuất đậu phụng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm OCOP, Tam Anh Bắc sẽ triển khai trên cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Dự tính sẽ đạt 120 triệu đồng/ha/vụ, tăng 40 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất đậu phụng ngoài dự án trước đây. Qua đó sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là phát huy được ưu thế của sản phẩm đậu phụng truyền thống tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc, thực hiện dự án sản xuất đậu phụng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm OCOP ở Tam Anh Bắc sẽ giúp cho người dân nơi đây tham gia sản xuất hiệu quả hơn, hạ thấp mức chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Mặt khác, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, thời tiết có thể nắng hạn kéo dài, việc trồng các loại cây có khả năng chịu hạn như cây đậu phụng là một trong những giải pháp tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, thân cây đậu phụng được tận dụng làm thức ăn cho gia súc cũng là một biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Việc canh tác cây đậu phụng cũng góp phần hạn chế xói mòn đất, cỏ dại, giữ ẩm cho đất và cung cấp một lượng chất xanh đáng kể, hoàn trả một phần dinh dưỡng cho đất... sẽ góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
VĂN PHIN